Thời sự

Mất quả thận vì chủ quan với sỏi niệu quản

  • Tác giả : BS Dương Hồng Quân 
Có sỏi niệu quản không điều trị, bệnh nhân phải cấp cứu sốc nhiễm khuẩn do vỡ ổ mủ từ thận trái vào khoang màng phổi. Dù được dẫn lưu màng phổi lấy 800ml mủ trắng đặc và hôi, song bệnh nhân vẫn phải cắt quả thận.

Nguy kịch, hỏng thận vì sỏi niệu quản

Đó là trường hợp bệnh nhân nam 60 tuổi, tiền sử viêm gan do rượu, bị sốc nhiễm khuẩn do vỡ ổ mủ từ thận trái vào khoang màng phổi.

Theo lời kể của bệnh nhân và người nhà, bệnh nhân phát hiện sỏi niệu quản trái đã lâu năm nhưng tự điều trị nội khoa tại nhà. Cách vào viện khoảng 2 ngày bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng: đau tức vùng thắt lưng và hố chậu bên trái, đau âm ỉ, không lan xuyên, không quặn thành cơn, kèm theo sốt kéo dài, nhiệt độ 39 – 40 độ C, sốt kèm rét run, đại tiểu tiện bình thường. Đau vùng ngực trái khi nằm và thở.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân ý thức lơ mơ, vã mồ hôi lạnh. Qua thăm khám, bác sỹ trực cấp cứu nhận định thấy bệnh nhân da niêm mạc nhợt, kèm theo tình trạng trụy tim mạch, không liên quan tới các yếu tố chấn thương. Kết hợp với các kết quả cận lâm sàng bệnh nhân được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn đường vào do vỡ ổ mủ từ thận vào khoang màng phổi trái, sỏi niệu quản trái 1/3 trên.

Sỏi niệu quản trên phim chụp

Sỏi niệu quản trên phim chụp

Tại Bệnh viện TWQĐ 108, với sự phối hợp của các chuyên ngành trong kíp trực, bệnh nhân đã được can thiệp dẫn lưu đài bể thận ra da, dẫn lưu khoang màng phổi. Lấy ra 800ml mủ đặc trắng, mùi hôi. Sau đó bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực tại khoa Tiết niệu trên.

Qua hội chẩn, các bác sĩ khoa Tiết niệu trên, Bệnh viện TWQĐ 108 nhận định trường hợp của bệnh nhân đã được dẫn lưu đài bể thận ra da, dẫn lưu khoang màng phổi, kết hợp dùng kháng sinh, truyền máu, bù dịch, nhưng tình trạng cải thiện chậm. Bệnh nhân tiếp tục có sốt 38 – 38.5 độ, có gai rét, không có cơn rét run. Dẫn lưu khoang màng phổi chảy rất nhiều dịch vàng đục, nghi ngờ có rò nước tiểu từ ổ mủ ở bể thận trái vào khoang màng phổi.

Vì vậy, chỉ định phẫu thuật của bệnh nhân được đặt ra nhằm giải quyết tình trạng hiện tại. Sau khi giải thích cặn kẽ về tình trạng bệnh lý, các nguy cơ có thể gặp trong và sau phẫu thuật, gia đình bệnh nhân đồng ý tiến hành phẫu thuật.

Ca phẫu thuật được TS Nguyễn Việt Hải, Chủ nhiệm Khoa Tiết niệu trên trực tiếp thực hiện. Đại diện kíp mổ, TS Hải cho biết: ca mổ được tiến hành với nhiều khó khăn như bệnh nhân tuổi cao, có bệnh lý nền, thận viêm mủ từ lâu nên đã viêm dính toàn bộ vào khoang quanh thận, cơ hoành, cơ thắt lưng chậu và thành lưng phía sau.

Vì vậy, phẫu thuật viên đã lựa chọn phẫu thuật mổ mở, với đường mổ dưới bờ sườn. Tuy nhiên đường tiếp cận qua ổ bụng cũng rất nhiều vấn đề phức tạp, vùng tổ chức quanh thận viêm dính và có nhiều khoang chứa mủ, cơ hoành dính sát vào ổ mủ, mất nhận dạng giải phẫu vùng rốn thận. Với sự nỗ lực của ê kíp phẫu thuật, sau 4h đã cắt thận trái thành công và loại bỏ hoàn toàn ổ viêm mủ.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực tại khoa Tiết niệu trên. Tại thời điểm này, tình trạng huyết động của bệnh nhân đã ổn định. Dẫn lưu khoang màng phổi khô, đã trung tiện được. Tình trạng toàn thân cải thiện tốt.

Bác sĩ thăm, khám cho bệnh nhân trước khi ra viện

Bác sĩ thăm, khám cho bệnh nhân trước khi ra viện

Can thiệp sớm tránh biến chứng nặng

TS.BS Hải khuyến cáo, đối với bệnh nhân mắc sỏi niệu quản thì nên can thiệp loại bỏ sỏi càng sớm càng tốt. Hiện tại với các kỹ thuật nội soi niệu quản tán sỏi hoặc nội soi tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, với ưu điểm can thiệp tối thiểu, ít sang chấn, hiệu quả điều trị sạch sỏi sau phẫu thuật rất cao, bệnh nhân hồi phục sớm là một trong những lựa chọn tối ưu cho bệnh nhân sỏi niệu quản.

Việc trì hoãn can thiệp có thể dẫn tới các biến chứng nặng và đáng tiếc như viêm mủ thận, thận ứ nước mất chức năng ….

Bệnh nhân cần thăm khám định kỳ 3 - 6 tháng, hoặc khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào liên quan đến bệnh lý đường tiết niệu: đau tức vùng mạn sườn thắt lưng, tiểu đỏ hoặc tiểu ra máu, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân…

Sỏi niệu quản chiếm 28% tỷ lệ sỏi đường tiết niệu, sỏi niệu quản thường do sỏi di chuyển từ thận rơi xuống, là bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm do gây bít tắc đường đi đi của nước tiểu. Bệnh có thể được phát hiện tình cờ qua thăm khám hoặc xuất hiện các triệu chứng gợi ý: cơn đau âm ỉ đến đau quặn thận, đau dữ dội, thậm chí đi tiểu ra máu, ra mủ.

Phẫu thuật nội soi là phương pháp hàng đầu và hiệu quả trong quá trình điều trị bệnh lý sỏi niệu quản. Hiệu quả sạch sỏi rất cao và ít sang chấn.

BS Dương Hồng Quân (Khoa Tiết niệu trên, Bệnh viện TWQĐ108)

BS Dương Hồng Quân 

BẢN DESKTOP