Y học và đời sống

Mất ngủ do âm dương bất hòa, tạng phủ hư suy

  • Tác giả : TTND.Lương y giỏi Trần Văn Quảng
(khoahocdoisong.vn) - Trong Đông y có rất nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng mất ngủ. Mất ngủ không chỉ do tinh thần mệt mỏi quá độ, huyết hư, âm dương bất hòa mà còn do dương khí suy, vỵ khí bốc hỏa, can, tỳ, thận tâm, suy yếu...

Chứng mất ngủ, Đông y gọi là thất miên, bất đắc ngọa, bất đăng miên, bất mị. Đặc trưng của chứng mất ngủ là thường không có một giấc ngủ bình thường, ban đêm khi đi ngủ, trằn trọc rất khó ngủ hoặc ngủ không sâu, không say, hay tỉnh giấc và đã tỉnh rồi thì khó ngủ lại hoặc suốt đêm không sao ngủ được.

Nguyên nhân phần nhiều do tinh thần mệt mỏi, âm hư nội nhiệt, huyết hư không tư dưỡng được tâm, lo nghĩ uất kết, người cao tuổi dương khí suy, vị khí bất hòa hoặc hỏa bốc lên, đàm uất, ôn bệnh nóng trong gây nên. Khi mắc chứng mất ngủ thường kèm theo các triệu chứng nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt (huyễn vựng), hồi hộp hay quên.

Nguyên nhân mất ngủ theo Tây y.

Nguyên nhân mất ngủ theo Tây y.

Âm dương bất hòa: Sách Nội Kinh cho rằng, nguyên nhân mất ngủ là do âm dương bất hòa. Sách Kim quỹ yếu lược của ông Trương Trọng Cảnh đời Hán quy chứng mất ngủ về các bệnh hư lao, đau ngực, tâm thủy (phần nhiều do tâm dương hư mà thủy khí lấn át tâm gây nên). Dùng bài Tảo nhân thang để điều trị.

Âm huyết hư tổn, tâm tỳ đều hư: Thiên tập chứng mô sác Cảnh nhạc toàn thư đã nói: thần không yên thì không ngủ được, mất ngủ. Sở dĩ không yên: một là do tà khí quấy rối (nhiễm động)”. Hai là do doanh khí bất túc – hư nhược. Có tà khí phần nhiều do chứng thực, không có tà khí đều do chứng hư. Mất ngủ thuộc chứng hư, phần nhiều do âm huyết hư tổn, trung khí (khí trung tiêu – tỳ vị) bất túc, hoặc tâm và tỳ cả hai tạng đều hư gây nên.

Do âm huyết bất túc, tâm không được tu dưỡng, thường kèm theo hư hỏa, thiên thắng, triệu chứng: Tâm buồn bực bứt rứt, mất ngủ, chóng mặt, ù tai, thậm chí ngũ tâm phiền nhiệt (hai bàn tay, hai bàn chân và vùng mỏ ác bị nóng, bứt rứt khó chịu), ra nhiều mồ hôi, miệng khô, lưỡi đỏ, mạch tế sác. Điều trị nên tư âm dưỡng huyết là chủ yếu. Nếu hỏa bốc lên mạnh thì kiêm giáng tâm hỏa, dùng bài Toan táo nhân thang, Bổ tâm đan, Chu sa an thần hoàn. Nếu trung khí hư nhược, triệu chứng: Mất ngủ, tinh thần mệt mỏi, phờ phạc, ăn uống giảm sút. Điều trị bổ khí là chủ yếu, dùng các bài Lục quân tử thang, Bổ trung ích khí thang gia giảm.

Do tâm tỳ hai tạng gây nên: Triệu chứng cho thấy, nằm mộng nhiều, hay tỉnh giấc, hồi hộp hay quên, ăn uống giảm sút, sắc mặt không tươi sáng, lưỡi nhạt, mạch tế. Điều trị nên bổ ích tâm tỳ, dùng các bài Quy tỳ thang, Thọ tỳ tiễn.

Do đởm hư nhược: Cũng có khi mất ngủ là do đởm hư nhược bị cảm nhiễm tà khí, thần khí không yên, gây nên chứng mất ngủ. Sách Thánh tế tổng lục đã nói: Người bị đởm hư không ngủ được, vì đởm là khí quan trung chính (đởm còn gọi là tàng thanh chi phủ, là trung tinh phủ: vì dịch của các phủ khác đều đục), chỉ riêng có nước dịch của mật là trong. Đởm thuộc về kinh thiếu dương. Nếu kinh này hư nhược (bất túc), lại bị cảm nhiễm phong tà thì đởm hàn, cho nên bị hư phiền giấc ngủ không yên, có thể dùng bài Ôn đởm thang, bài Tảo nhân hoàn.

Sách còn nói: Đởm hỏa làm cho mất ngủ. Là một trong những chứng mất ngủ thuộc nội thương. Thấp nhiệt uất hỏa ở can đởm gây nên. Quyển 3 sách Chứng nhân mạch trị nói: Chứng mất ngủ do đởm hỏa, mỏ ác hàn không thông lợi, hai mạn sườn trước đầy đó là đởm hỏa thừa tỳ. Tâm phiền táo loạn hoảng hốt không yên, nước rãi từ đởm dồn về tưới ở tâm, thậm chí mắt vàng, mắt đỏ, đêm ngủ không được. Điều trị cũng như đởm hỏa thừa tỳ, dùng bài thanh đởm trúc nhự thang. Mạch bên trái chỉ có bộ Quan là đại (ý hồng đại), dùng bài Long đởm tả can thang gia đởm tinh. Nước rãi từ đởm dồn về tưới ở tâm, dùng bài Đởm tinh thang phối hợp với bài Tâm thang.

Can hỏa: Cũng là một trong những chứng làm cho mất ngủ thuộc nội thương có nghĩa là chứng mất ngủ do can hỏa nhiễm động tâm thần gây nên. Quyển 3 sách Chứng nhân mạch trị nói: Chứng mất ngủ do can hỏa cho thấy, hai mạn sườn có lúc căng lên, đêm nằm hay giật mình, khát nước uống nhiều, bụng to như có thai, bụng dưới có lúc đau lan xuống đến bộ phận sinh dục. Điều trị nên bình can thanh hỏa, như dùng các bài Sơ can tán, Trí vật thang gia sơn chi, xuyên liên, Long đởm tả can thang. Chứng này có thể thấy chứng mất ngủ xuất hiện ở bệnh sơ cứng động mạch, cao huyết áp và bệnh ở can đởm (gan mật).

Do ngoại cảm thời tà: Nguyên nhân mất ngủ do ngoại cảm thời tà, có biểu nhiệt, lý nhiệt hoặc bán biểu bán lý nhiệt, huyết nhiệt hoặc khí nhiệt cũng nên phân biệt rõ khi điều trị lâm sàng. Lữ Trung Tử đời nhà Minh đã quy nạp thành 5 nguyên nhân chứng mất ngủ như: khí hư, âm hư, đàm trệ, thủy đình (nước ngưng tụ), vị bất hòa...

Chứng mất ngủ có quan hệ mất thiệt với tâm, tỳ, can, thận. Bất luận nguyên nhân gì đã làm tổn thương tới các tạng thì cũng sẽ ảnh hưởng tạng này, tạng kia, dẫn đến công năng mất điều hòa mà hình thành mất ngủ. Nguyên nhân của chứng mất ngủ chủ yếu do tình chí không được thoải mái thư thái, khí huyết hư nhược, âm hư, tâm thận bất giao...

TTND.Lương y giỏi Trần Văn Quảng (Hội Đông y Việt Nam)

TTND.Lương y giỏi Trần Văn Quảng

BẢN DESKTOP