Trong nước

Mang cả bàn tay kẹt trong máy xay thịt vào bệnh viện cấp cứu

  • Tác giả : Thúy Nga
Tai nạn thương tích trong sinh hoạt và lao động là điều không ai mong muốn, tuy nhiên chỉ một chút sơ suất nhỏ, tai nạn đều có thể xảy ra với bất cứ ai.

Ngày 5/6, Bệnh viện thành phố Thủ Đức TP HCM cho biết, thường xuyên tiếp nhận các trường hợp tai nạn đến cấp cứu, phẫu thuật và điều trị. Có những trường hợp tai nạn rất nặng như đứt rời chi, đứt gân, gãy tay, chân... do tai nạn lao động, sinh hoạt gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần người bệnh.

Điển hình, vào ngày 2/6, Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Thành phố Thủ Đức tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Phạm Duy Lân (SN 2006) tại Tam Bình – Thủ Đức bị kẹt bàn tay phải (P) vào máy xay thịt, được bạn làm cùng đưa vào cấp cứu với tình trạng tay (P) còn kẹt trong máy. Các bác sĩ đã nhanh chóng tháo máy xay, xử lý vết thương, hội chẩn và chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

BSCKII. Tiêu Hiếu và BSCKI. Nguyễn Minh Hải, khoa Chấn thương chỉnh hình, cho biết “Tình trạng bàn tay (P) và các ngón tay bị tổn thương rất nặng, dập nát cả mô mềm và xương, các ngón và nhiều dị vật,... đã đứt dập nát gần hết chiều dài ngón, tổn thương dập nát còn tới phần xương bàn của bàn tay, cho nên việc bảo tồn ngón là không thể.

Sau 7 tiếng phẫu thuật, với sự đánh giá đúng mức, cắt lọc tỉ mỉ và sự khéo léo thì bác sĩ có thể giữ được một phần, đó cũng là một phần an ủi cho người bệnh. Sau ba ngày phẫu thuật búp các ngón được nối lại vẫn ấm và hồng, CRT < 2s (thời gian đỏ đầy mao mạch), cử động nhẹ, hiện tại tiên lượng tốt và có khả năng sống. Tuy nhiên để để đánh giá chính xác cần thêm thời gian nhiều hơn”.

Sau phẫu thuật một tuần, tình trạng vết thương tiến triển tốt, vận động được và cảm giác tốt, đây là điều đáng mừng cho người bệnh. Qua đây, bác sĩ khuyến cáo tai nạn lao động, sinh hoạt thường để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, trong quá trình sinh hoạt, lao động mọi người phải hết sức thận trọng.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Trong sinh hoạt hàng ngày cần lưu ý khi sử dụng các dụng cụ sắc nhọn. Khi leo trèo, sửa chữa trên cao cần tập trung chú ý. Riêng các cơ sở sản xuất kinh doanh cần định kỳ tổ chức tập huấn, đào tạo quy trình làm việc, an toàn vệ sinh lao động cho người lao động nhằm hạn chế tối đa xảy ra tai nạn lao động.

Đồng thời, người sử dụng lao động phải trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu để kịp thời xử lý khẩn cấp các tình huống tai nạn lao động nếu có.

Bên cạnh đó, người lao động nên thận trọng khi sử dụng các máy móc thiết bị phục vụ trong công tác sản xuất đảm bảo an toàn lao động để phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra như trường hợp trên.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP