Y học và đời sống

Mẩn ngứa khắp người vì dị ứng thời tiết

Thời tiết thay đổi đột ngột từ lạnh sang nóng và ngược lại là cơ hội cho những bệnh dị ứng phát triển, đặc biệt là ở những người có cơ địa dị ứng. Dù chỉ là biểu hiện ngoài da nhưng dị ứng thời tiết khiến người bị rất khó chịu với các triệu chứng mẩn ngứa, sẩn mề đay.

Càng gãi càng ngứa

Vào Bệnh viện da liễu Hà Nội cơ sở 2 khám trong tình trạng da ngứa phát ban có dấu hiệu đỏ trên da, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh ở Hà Đông (Hà Nội) được các bác sĩ cho biết chị bị dị ứng thời tiết. Chị Ngọc Anh cho hay: Không hiểu tại sao mấy ngày nay cứ thấy bứt rứt ngứa ngáy khó chịu ở tay, chân.

Mình càng gãi lại càng ngứa khó chịu vô cùng, nổi nốt nhiều hơn. Ra hiệu thuốc gần nhà, mình được cô bán thuốc bán cho tuýp thuốc ngứa và mấy viên thuốc bảo về bôi ngày 2 – 3 lần kết hợp với uống trong 2 ngày thì khỏi. Vậy mà bôi sang ngày thứ 5 vẫn không hết ngứa, chỗ ngứa đỏ cứ lan rộng ra khắp người”.

BS Đinh Doãn Thạch – Phó phụ trách Khoa điều trị tổng hợp (BV Da liễu Hà Nội cơ sở 2) cho biết, trường hợp chị Anh chỉ là một bệnh nhân bị dị ứng thời tiết vào khám. Khoa thường xuyên tiếp nhận nhiều bệnh nhân vào viện khám vì dị ứng. Dị ứng có thể do nhiều nguyên nhân.

Thời tiết thay đổi là một yếu tố thuận lợi để một số bệnh về da tái phát, nặng lên như viêm da cơ địa, chàm tiếp xúc, mề đay… Khi phát hiện và chữa sớm thì khỏi ngay, thậm chí chỉ cần ăn uống bồi bổ triệu chứng bệnh tự lui.

Dị ứng thời tiết có thể xuất hiện quanh năm nhưng tập trung nhiều hơn vào mùa nắng nóng, mùa đông hoặc vào những ngày gió mưa, thất thường. Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể mệt mỏi hơn nên khả năng đề kháng, miễn dịch bị giảm đi.

Mặt khác, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi khiến da thường xuyên trong tình trạng ẩm ướt cộng hưởng với khói, bụi nắng nóng là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn, nấm mốc phát triển mạnh, nguyên nhân gây viêm nhiễm, sẩn ngứa. Với những người có sức đề kháng, miễn dịch tốt và dễ thích nghi với môi trường xung quanh thì ít bị bệnh dị ứng hơn khi thời tiết thay đổi.

“Do cơ địa của từng người sẽ có phản ứng khác nhau đối với một tác nhân gây dị ứng nào đó, cũng như việc tiếp xúc với tác nhân đó nhiều hay ít mà có triệu chứng khác nhau. Dị ứng thời tiết, da của người bệnh nổi sần, ngứa, thậm chí gãi mạnh gây trầy xước da mà vẫn không hết ngứa. Các vùng da hở như bàn tay, bàn chân, mặt, cổ… là những vị trí dễ bị nổi mẩn ngứa” – BS Thạch cho hay.

Cách loại bỏ cơn ngứa

BS Đinh Doãn Thạch cho biết, đa phần mọi người khi bị ngứa theo phản xạ tự nhiên thường gãi. Tuy vậy càng gãi sẽ càng ngứa và làm tổn thương lan rộng. Khi thấy da có biểu hiện bị dị ứng, mẩn ngứa thì bạn cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vùng da bị dị ứng, tránh gãi hay chà xát mạnh để tránh làm da xây sát, chảy nước, nhiễm trùng.

Để loại bỏ cơn ngứa nhanh chóng, mọi người nên tích sẵn trong nhà gói bột tan trị ngứa hoặc khi ngứa dữ dội có thể dùng cồn 70 độ đổ luôn vào vừa có sát trùng. Đây là kinh nghiệm ngoại khoa như trường hợp bệnh nhân sau khi bó bột ngứa, các bác sỹ thường dùng cồn để rửa.

Cũng nên dự trữ sẵn các thuốc chống dị ứng phòng khi thời tiết thay đổi và uống thuốc ngay từ khi có biểu hiện nhẹ. Còn khi có triệu chứng nặng thì cần phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa dị ứng để được tư vấn dùng thuốc. Mọi người có thể dùng thuốc chống dị ứng loratadin hay cetirizine kết hợp uống C.

Trong những ngày hè để tránh bị dị ứng, mọi người cần tránh tiếp xúc với các dị nguyên. Nên giữ nhiệt độ cơ thể ổn định, tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột hoặc liên tục. Nếu dùng điều hòa thì bạn chỉ nên chỉnh nhiệt độ chênh lệch vừa phải so với thời tiết ngoài phòng.

Tránh tiếp xúc với chó mèo, phấn hoa, bụi, khói thuốc… Tránh làm việc dưới trời nóng gắt. Cơ thể chúng ta rất nhạy cảm với ánh nắng gắt của mùa hè, ảnh hưởng của nó có thể dẫn tới tình trạng viêm da, gây tổn thương cho da nên khi đi ngoài trời nắng ngoài bôi kem chống nắng cần sử dụng các sản phẩm chống nắng như kính mát, khẩu trang, áo chống nắng, găng tay…

Hà Linh

BẢN DESKTOP