Thời sự

Mắc thuỷ đậu… cẩn thận biến chứng nguy hại tính mạng

  • Tác giả : Thúy Nga
Bác sĩ khuyến cáo không nên chủ quan nghĩ rằng, chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu. Người lớn mắc bệnh này có thể bị biến chứng nặng, dễ tử vong.

“Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, đặc biệt nguy hiểm với người có bệnh lý nền dễ biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, tổn thương thần kinh, viêm gan, viêm cơ tim, viêm mạch máu, viêm khớp, viêm tinh hoàn… và tử vong. Thực tế, nhiều ca bệnh thủy đậu kèm bệnh nền đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận... biến chứng nặng”, ThS.BS Phạm Hồng Quảng, phụ trách khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nói.

Dễ suy đa tạng và tử vong

Tuần qua, trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội ghi nhận 27 ca thủy đậu, trong đó có chùm 10 ca tại Trường Tiểu học Phúc Tân, Hoàn Kiếm. Chùm ca này đưa Hoàn Kiếm là địa phương có nhiều bệnh nhân thủy đậu nhất tại Hà Nội, tiếp theo là Mê Linh với 5 ca.

Gia đình có người mắc bệnh thủy đậu, cần cách ly để tránh lây nhiễm, nhất là trẻ nhỏ. Quá trình tiếp xúc cần đeo khẩu trang. Không dùng chung quần áo, khăn mặt của người bị bệnh. Không nên kiêng tắm mà vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng. Không đến chỗ đông người, tránh trường hợp lây nhiễm chéo.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 147 trường hợp mắc thủy đậu, giảm hơn 50% so cùng kỳ năm ngoái. CDC Hà Nội cảnh báo, thời tiết giao mùa thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, tay chân miệng, ho gà, thủy đậu... bùng phát. Dự báo thời gian tới ghi nhận thêm ca bệnh, ổ dịch.

Khảo sát của phóng viên Khoa học & Đời sống cho thấy, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bạch Mai, Bệnh viện E, Nhi Trung ương... có người đến khám thủy đậu. Đặc biệt, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận nhiều ca bệnh thủy đậu kèm bệnh nền đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận... biến chứng nặng.

Điển hình là bệnh nhân nữ (64 tuổi, Nam Định) bị thủy đậu bội nhiễm viêm phổi với bệnh nền đái tháo đường type 2, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân tiếp xúc hai học sinh mắc thủy đậu, sau đó sốt cao 38-39 độ C, các nốt phỏng nước xuất hiện ở miệng họng, rải rác toàn thân. Bà tự mua thuốc uống hạ sốt nhưng không đỡ, ho nhiều, nốt phỏng trên da vỡ viêm tấy đỏ và có mủ, tiểu tiện khó, buốt rắt... Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh mới thuyên giảm.

Bệnh nhân thuỷ đậu điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ươngBệnh nhân thuỷ đậu điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương

ThS.BS Phạm Hồng Quảng thông tin, gần đây, viện tiếp nhận rải rác ca bệnh mắc thủy đậu kèm bệnh lý nền đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thượng thận… Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đường máu rất cao, rối loạn điện giải cần bù nước, kiểm soát đường máu bằng thuốc tiêm, mặc dù trước đó người bệnh chỉ cần uống thuốc viên đường máu là đã có thể kiểm soát tốt.

“Thủy đậu lây qua đường hô hấp, thường gây các chùm ca bệnh, ổ dịch nhỏ rải rác và đa phần lành tính. Tuy nhiên, người bệnh mạn tính, sức đề kháng kém như đái tháo đường, suy thận, suy thượng thận... mắc thủy đậu dễ gặp biến chứng như bội nhiễm da, mô mềm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi làm bệnh tiến triển nặng, điều trị gặp không ít khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải điều trị tích cực, toàn diện mới giúp người bệnh phục hồi", bác sĩ Quảng nói.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cảnh báo, nhiều người nghĩ chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát. Hiện nay, ca bệnh thủy đậu diễn biến khá phức tạp. Những người có biểu hiện nặng thường mắc bệnh nền như ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, nằm trong bệnh cảnh suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như Corticoid, ức chế miễn dịch để chữa bệnh gút, phổi, thận...

Một số bệnh nhân nhập viện với cơ địa đặc biệt hay phụ nữ có thai. Đây là những đối tượng đặc biệt, khi mắc bệnh, virus sẽ bùng lên gây tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí suy đa phủ tạng, cần lọc máu...

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân thủy đậu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân thủy đậu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Nguy cơ tái phát bệnh

Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh thủy đậu chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi trong mùa đông xuân, đa phần lành tính, trẻ sẽ khỏi sau 5 - 10 ngày. Đối với người lớn, nguy cơ gặp các biến chứng nhiều hơn.

Biến chứng hay gặp nhất là thủy đậu bị nhiễm trùng, lâu khỏi, dễ để lại sẹo sâu. Thủy đậu mọc nhiều trên da và niêm mạc có thể gây viêm niêm mạc miệng, âm hộ, viêm tai giữa, tai ngoài, viêm thận, gây tiểu. Đặc biệt, người lớn hay gặp biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm thanh quản, viêm phổi. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ mắc các di chứng nặng nề như chậm phát triển trí tuệ, động kinh, điếc…, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Hà cho biết thêm, hiện chưa có điều kiện thống kê và nghiên cứu rõ cơ chế tại sao người lớn bị biến chứng nặng hơn trẻ em. Đây là bệnh dễ lây qua không khí, nhiều người lớn mắc cũng không quá bất thường. Họ có thể chưa từng được tiêm vắc xin phòng thủy đậu, hoặc chưa mắc thủy đậu lúc nhỏ. Thậm chí, người mắc rồi, nếu miễn dịch kém, vẫn có thể mắc lại.

Theo lý thuyết, tổn thương ở cơ quan, bộ phận nào đó phụ thuộc phản ứng của cơ thể với tác nhân gây bệnh. Nếu phản ứng mãnh liệt, tổn thương nặng hơn. Thủy đậu ở người lớn, do có một ít miễn dịch, khi gặp các tác nhân, bệnh sẽ chiến đấu mạnh mẽ với virus, gây tổn thương nặng nề.

Trong khi đó, ở trẻ em, miễn dịch với các tác nhân này chưa có, sự phản ứng nhẹ nhàng nên gây thương tổn nhẹ hơn. Có thể đó là lý do khiến các ca biến chứng thường chủ yếu gặp ở trẻ lớn và người lớn.

BS Hà khuyên, thủy đậu dễ lây lan, trong khi thời gian bảo vệ của vắc xin không phải suốt đời nên người lớn chủ động tiêm ngừa lại để phòng bệnh, tránh nguy cơ biến chứng.

Đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên tiếp xúc người bị thủy đậu. Nếu dự định mang thai, các bà mẹ nên đi chích ngừa trước (tối thiểu trước khi có thai 1 tháng), để phòng ngừa lây truyền bệnh cho con trong thời gian mang thai và sau sinh.

Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm. Thời gian 3-4 tháng đầu của thai kỳ, nhiều khả năng gây dị dạng cho thai nhi: Biến dạng tay chân, sẹo ở da, mù do đục thủy tinh thể bẩm sinh, bại não, chậm phát triển tâm thần hoặc có thể dẫn đến thai chết lưu, sảy thai, sinh non, sinh nhẹ cân…

Cách giúp nhanh khỏi bệnh

- Người mắc bệnh thuỷ đậu cần ăn uống đủ chất để tạo điều kiện tốt cho cơ thể sinh kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh.

-Bổ sung thực phẩm lành tính, ít chất đạm, dễ tiêu hóa.

-Tránh ăn thực phẩm tăng kích ứng trên cơ thể, ngăn cản quá trình hồi phục da, khiến bệnh lâu khỏi và khó làm lạnh sẹo như: Các loại gia vị cay nóng như tỏi, ớt, gừng, hạt tiêu, mù tạt...

- Thực phẩm khó tiêu, chiên, xào, rán, thịt chó, thịt dê... Các loại quả ngọt (vải, xoài, mít...). Đồ ăn mặn, nhiều muối.

- Các thuốc Castellani (màu đỏ) hoặc xanh Methylene (màu xanh) thường được người dân mua về bôi lên các nốt thủy đậu, chưa có bằng chứng có tác dụng diệt khuẩn trên da, lại gây bẩn người và quần áo.

Đặc biệt, việc sử dụng castellani trên diện rộng có thể hấp thụ toàn thân, gây độc, nhất là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Khi bị bệnh, người dân cần đi khám để được chỉ định điều trị phù hợp. Thường dùng các thuốc bôi mỡ hoặc cream kháng sinh tại chỗ nếu có bội nhiễm. Khi bội nhiễm toàn thân, bạn cần dùng kháng sinh đường uống.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP