Theo BSCK1 Bùi Thu Phương (Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), dù tiêm chủng đã được phủ rộng, ho gà vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới. Đây là bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh ở cả trẻ em và người lớn, dễ gây biến chứng viêm phế quản - phổi, viêm phổi.... và tử vong.
Dấu hiệu khởi phát tương tự cảm lạnh thông thường
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần đầu tháng 4/2024, 7 trường hợp mắc ho gà được ghi nhận trên địa bàn thành phố, rải rác tại 7 quận, huyện. Tuần trước đó, Hà Nội cũng có số ca bệnh tương tự.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 39 trường hợp mắc ho gà tại 18 quận, huyện. Cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh và cả năm 2023 chỉ có 1 ca; năm 2022 không có ca nào. Phần lớn bệnh nhân là trẻ em dưới 3 tháng tuổi (chiếm 65%); chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm 72%).
CDC Hà Nội thông tin, số ca mắc ho gà tiếp tục được ghi nhận rải rác, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Chăm sóc bệnh nhân ho gà tại Bệnh viện Nhi Trung ương |
Không chỉ xuất hiện tại Hà Nội, theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tính từ đầu năm đến ngày 20/3, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia ghi nhận gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Cục trưởng Cục Y tế Dự Phòng Hoàng Minh Đức đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), từ đầu năm đến nay, khoảng 40 trường hợp mắc ho gà được phát hiện, chủ yếu là trẻ dưới 3 tháng tuổi. Đây là lứa tuổi chưa tiêm phòng hoặc vừa tiêm mà chưa tạo được miễn dịch.
ThS Đỗ Thị Thúy Hậu, Điều dưỡng trưởng, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay, ho gà lây lan nhanh, có thể gây biến chứng nghiêm trọng.
Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Phần lớn số ca mắc là trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng vắc xin ho gà hoặc trẻ chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trẻ càng nhỏ, bệnh càng nặng và càng nhiều biến chứng, đặc biệt trẻ sơ sinh.
Đáng lưu ý, bệnh ho gà có những dấu hiệu khởi phát tương tự cảm lạnh thông thường nên nhiều phụ huynh có tâm lý chủ quan, tự ý điều trị ở nhà, mua thuốc uống hay áp dụng kinh nghiệm dân gian.
Điều này làm bệnh ho gà trở nặng, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm: Nhiễm trùng bội nhiễm viêm phổi, viêm tai giữa; suy hô hấp (do ngừng thở, viêm phổi hoặc tăng áp phổi), suy tuần hoàn; tăng áp lực động mạch phổi...
Lan nhanh hơn virus cúm, khó nhận biết
BS Bùi Thu Phương (Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi những triệu chứng như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ, tăng nặng sau từ 1- 2 tuần. Ở trẻ nhỏ, bệnh có thể rất nặng với triệu chứng suy hô hấp, thậm chí gây tử vong.
Đến nay, bệnh vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới, dù tiêm chủng đã được phủ rộng. Chu kỳ dịch khoảng 2-5 năm, xảy ra lẻ tẻ ở các nước, nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Các ca bệnh nặng và tử vong hay gặp ở trẻ độ tuổi bú mẹ. Tỷ lệ tử vong tăng cao hơn ở những nước đang phát triển.
Bệnh ho gà có biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi những triệu chứng như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ... |
Cũng theo BS Bùi Thu Phương, giai đoạn khởi phát (viêm long), biểu hiện điển hình như ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau rát họng, dần chuyển thành ho cơn. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, giai đoạn này thường không có.
Giai đoạn toàn phát (ho cơn) thường kéo dài 1-2 tuần. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi, thời kỳ này kéo dài hơn, xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ cả ngày và đêm, ho cả khi trẻ đang chơi, đang ăn hay khi đang quấy khóc. Cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: Ho, thở rít và khạc đờm.
Thời kỳ lui bệnh và hồi phục kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần. Số cơn ho giảm dần, thời gian mỗi cơn ngắn lại, cường độ ho giảm, khạc đờm ít, sau đó hết hẳn. Tình trạng toàn thân tốt lên, trẻ ăn được và vui chơi bình thường. Một số trẻ có thể ho kéo dài 1-2 tháng. Đặc biệt, trẻ dưới 3 tháng tuổi, thời gian ho có thể kéo dài cả năm sau đó.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, điều đáng lo ngại nữa là bệnh có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 1-2 tuần, khó nhận biết sớm, trong khi đây lại là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây lan rất cao. Trẻ dưới 1 tuổi mắc bệnh ho gà, bệnh tiến triển nặng lên rất nhanh, ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong trường hợp trẻ mắc bệnh ho gà:
Viêm phổi nặng: Biến chứng hô hấp hay gặp, nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ suy dinh dưỡng.
Viêm não: Là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong cao. Trẻ sốt rất cao, li bì, hôn mê, co giật.
Biến chứng cơ học: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi.
Biến chứng khác: Xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác
Do vậy, việc phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh để điều trị rất quan trọng. Trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly với bạn khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng), đồng thời đưa đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, điều trị càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ bị biến chứng.
Những lưu ý quan trọng chăm sóc trẻ ho gà tại nhà
Ho gà là bệnh truyền nhiễm, do đó trẻ cần được cách ly và điều trị nội trú. Trường hợp trẻ được điều trị ngoại trú, bố mẹ có thể áp dụng một số lưu ý để kiểm soát ho gà, giúp trẻ thoải mái hơn như sau:
- Cách ly: Cách ly trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi, để tránh phát tán ho gà.
- Vệ sinh: Trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ.
- Chăm sóc sức khỏe: Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trẻ cần nghỉ ngơi nhiều để tạo điều kiện cho cơ thể hồi phục; bổ sung dinh dưỡng, trẻ còn bú mẹ thì tiếp tục duy trì vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả. Trẻ ăn dặm thì cần thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, ăn nhiều bữa nhỏ một ngày. Bổ sung nước lọc, nước trái cây…
- Hỗ trợ trẻ thở dễ dàng hơn: Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc đặt một chậu nước nóng trong phòng để làm loãng đờm trong đường hô hấp trẻ. Sau đó, bố mẹ long đờm trong đường hô hấp trẻ bằng cách vỗ lưng. Người lớn có thể dùng dụng cụ hút mũi để loại bỏ đờm trong mũi trẻ.