Hỏi: Con tôi có kế hoạch cho tôi du lịch Nhật Bản nhưng tôi rất lo không biết cần lưu ý và mang theo thuốc gì vì bị bệnh động mạch vành? Không đau ngực có cần lo lắng về bệnh mạch vành không?
Nguyễn Văn Hướng (Hà Nội)
Trả lời: Trước khi đi du lịch, bạn cần đến khám bác sĩ để đảm bảo sức khỏe đã ổn định. Cũng cần biết chắc tình trạng suy tim hay rối loạn nhịp của mình (nếu có) đã được kiểm soát tốt bằng thuốc.
Bệnh động mạch vành rất nguy hiểm. Theo ước tính tại châu Âu, 600.000 bệnh nhân tử vong mỗi năm do bệnh động mạch vành và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Bệnh động mạch vành thường bao gồm 3 dạng bệnh lý như sau:
- Đau thắt ngực ổn định là tình trạng không có những diễn bất ổn của cơn đau ngực trong khoảng thời gian vài tuần gần đây. Với đau thắt ngực ổn định, tình trạng lâm sàng thường ổn định, cơn đau thắt ngực ngắn, xảy ra khi gắng sức, đỡ khi nghỉ và đáp ứng tốt với các thuốc nhóm Nitrates.
- Đau thắt ngực không ổn định là tình trạng bất ổn về lâm sàng, cơn đau thắt ngực xuất hiện nhiều và dài hơn, xảy ra cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi và cơn đau ít đáp ứng với các Nitrates.
Cơn đau này thường liên quan tình trạng bất ổn của mảng xơ vữa động mạch vành. Đau thắt ngực không ổn định có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim hoặc ổn định lại để thành đau thắt ngực ổn định.
- Nhồi máu cơ tim là tình trạng bị tắc hoàn toàn động mạch vành một cách nhanh chóng gây hoại tử vùng cơ tim phía sau phần nuôi dưỡng của đoạn động mạch vành bị tắc.
Thực tế có một số trường hợp bị bệnh động mạch vành nhất là nhồi máu cơ tim mà không có cảm giác đau ngực rõ rệt (còn gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng). Hiện tượng này hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, bệnh nhân bị đái tháo đường, tăng huyết áp...
Do vậy, cần cảnh giác khi bạn là người có nhiều yếu tố nguy cơ mà có những triệu chứng mơ hồ về đau ngực và thấy khó thở hoặc khó chịu ở vùng ngực thì nên đi đến bác sĩ khám ngay.
Như vậy, bạn càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc đánh giá và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bản thân trước khi đi du lịch.
Khi du lịch, bạn nên mang theo một bản tóm tắt bệnh án của mình, gồm cả bản ghi điện tâm đồ gần đây và các thuốc đang sử dụng (tên thuốc, liều lượng). Cũng cần mang đủ cơ số thuốc để uống trong quá trình đi xa, tốt nhất là nên mang dư ra một chút, phòng trường hợp quay về chậm hơn dự kiến.
Thuốc nên để trong hộp có dán nhãn. Điều này sẽ giúp ích cho các bác sĩ nếu không may xảy ra cấp cứu đối với bạn. Bạn nên để thuốc trong hành lý xách tay. Nếu thất lạc hành lý ký gửi, bạn vẫn có thuốc uống.
Trong chuyến du lịch, cần hạn chế tham gia các hoạt động đòi hỏi phải gắng sức nhiều. Lưu ý các triệu chứng tức ngực, khó thở, mệt, thỉu, vã mồ hôi… khi gắng sức. Nếu gặp những triệu chứng ấy, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế tại chỗ.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng (Viện Trưởng Viện Tim mạch Quốc gia)