Dữ liệu y khoa

M.E.T – Liệu pháp chữa bệnh tận gốc không dùng thuốc - Kỳ 4:  Hiệu ứng tâm lý niềm tin - Ám thị và tự ám thị gây bệnh

  • Tác giả : ThS Nguyễn Mạnh Quân
(khoahocdoisong.vn) - Đôi khi bệnh tật phát sinh là do chính bản thân chúng ta đã bị ám thị và tự ám thị mình. Đó là hiệu ứng tâm lý niềm tin rất khó chữa nếu chúng ta không hiểu rõ về nó và tìm cách tháo bỏ nó.

Hiệu ứng Nocebo và tác hại của Nocebo

Ngoài ra, còn có một nguyên nhân vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, nhưng tiếc rằng hầu như chưa được cộng đồng nhận diện đầy đủ và chính xác. Đó là những đức tin, những mong muốn sâu thẳm nằm trong tầng tiềm thức (Ám thị và tự ám thị), tạo thành những phản ứng, phản xạ tự nhiên, thành những hiệu ứng tâm lý trong bản năng, khi đã mắc phải thì chính chúng ta sẽ không dễ dàng thoát ra được. Đề cập tới những hiệu ứng tâm lý tạo ra những hậu quả tiêu cực cho sức khoẻ, chúng ta phải kể tới hiệu ứng Nocebo và tác hại của Nocebo (hiệu ứng bùa - ngải):

Nocebo được hiểu là hiệu ứng tâm lý mà những niềm tin, những đức tin, hoặc những ám thị tiêu cực nằm trong tiềm thức, tạo ra những tác động trực tiếp vào bộ phận não bò sát, từ đó gây ra những ảnh hưởng thật sự tiêu cực vào đời sống, tác động lên cơ thể vật lý tạo thành bệnh tật, thậm chí còn là nguyên nhân gốc của rất nhiều trọng bệnh. Những đức tin (tự ám thị), những ám thị tiêu cực nằm trong tiềm thức luôn tạo ra những tác động rất mạnh, tạo thành phản ứng, những dấu ấn sâu đậm, mạnh gấp nhiều lần những đức tin và những ám thị tích cực. Sự sợ hãi, thù hận, giận dữ, buồn khổ… thì lưu trong ký ức sâu, rõ nét và cảm xúc mạnh hơn là niềm vui.

Phương pháp thử nghiệm "Những hiệu ứng tâm lý trong bản năng, khi đã mắc phải thì chính chúng ta sẽ không dễ dàng thoát ra được".

Phương pháp thử nghiệm "Những hiệu ứng tâm lý trong bản năng, khi đã mắc phải thì chính chúng ta sẽ không dễ dàng thoát ra được".

Những thông tin và đức tin tiêu cực (được gọi là ám thị và tự ám thị tiêu cực) này được tự động thiết lập thành những trình xử lý tự động, những phản xạ có điều kiện và được “nạp” vào tiềm thức ngay từ khi chúng ta sinh ra, thậm chí, từ khi chúng ta còn nằm trong bụng mẹ (biểu hiện rõ ràng nhất là các trẻ tự kỷ). Chúng ta bị thấm nhiễm những thông tin tiêu cực này, bởi tác động của môi trường xung quanh, bởi những truyền thống, bởi văn hóa, bởi đức tin của một số tôn giáo, bởi hoàn cảnh sống, bởi sự giáo dục trong gia đình và xã hội…

Các “chương trình tự động” này liên tục tự động vận hành từng giờ, từng phút, thậm chí từng giây âm thầm trong bộ não. Chúng liên tục truyền tín hiệu tiêu cực đến các cơ quan nội tạng, gây ra sự rối loạn làm ảnh hưởng đến sự vận hành tự nhiên của các bộ phận và các hệ thống chức năng trong cơ thể. Bắt đầu bằng sự rối loạn này, từng bước hình thành và tạo nên biểu hiện bệnh lý thực thể trên cơ thể.

Neo cảm xúc lưu giữ ám thị tiêu cực

Một số những đức tin và ám thị tiêu cực gây bệnh mà chúng ta phải kể tới, ví dụ: những suy nghĩ và lo sợ rằng họ có thể sẽ bị bệnh bởi gen di truyền từ cha mẹ, ông bà. Những lo lắng thái quá, sợ bị nhiễm độc từ môi trường bên ngoài. Những lo sợ sẽ bị đau ốm do thay đổi thời tiết… Ngoài ra, còn có rất nhiều những ám thị tiêu cực trực tiếp, gắn những biểu hiện tiêu cực của cơ thể với yếu tố bên ngoài, tạo thành những phản xạ có điều kiện, theo kiểu: “Cứ mỗi khi trở trời tôi lại bị đau đầu, chóng mặt”, “uống trà là mất ngủ”, “Nằm ngủ trong phòng có máy lạnh thì bị ho”, “Đi xe ô tô chạy dầu thì bị say”…

Một khóa học khơi nguồn sức sống mới tại Hà Nội.

Một khóa học khơi nguồn sức sống mới tại Hà Nội. 

Có rất nhiều biểu hiện bệnh lý, đặc biệt là những biểu hiện rối loạn tâm thần và cao huyết áp, đã được tạo nên chỉ bởi những phản xạ tiêu cực có điều kiện (những neo cảm xúc). Ví dụ: Ai đó lúc còn trẻ bị người yêu chia tay, trong lúc đang có cảm giác buồn chán, đau khổ, thất vọng cao độ thì trời bỗng đổ mưa, hoặc trong lúc ấy họ chợt nghe thấy một bản nhạc nào đó, ngửi thấy một mùi nào đó đặc trưng... Sau này, dù đã trải qua nhiều năm tháng, thậm chí họ đã hoàn toàn quên mất chuyện cũ, nhưng cứ mỗi khi trời đổ mưa, hoặc mỗi khi họ nghe thấy bài hát, ngửi thấy mùi đặc trưng... ngày xưa họ đã vô tình nghe được, ngửi được trong lúc họ đang thất vọng, thì tự nhiên một nỗi buồn chán, đau khổ, thất vọng, mệt mỏi từ nơi sâu thẳm trỗi dậy làm cho họ mệt mỏi, mất phướng hướng mà họ đã không hề biết nguyên nhân do đâu.

Có nhiều người bị bệnh, hoặc bị thất bại chỉ bởi vì trong tiềm thức của họ đã được ghi nhớ những thông tin, những ám thị mà bản năng của họ cho rằng họ là người có lỗi, tiềm thức của họ ghi nhớ những cảm giác ăn năn, hối hận và họ từng cho rằng họ là người đáng phải chịu sự trừng phạt. Không chỉ có vậy, mà còn có rất nhiều người đã bị trọng bệnh, chỉ bởi vì bản năng của họ cho rằng những người thân của họ đã có lỗi với họ (bố, mẹ, anh, em, vợ, chồng, con…).

Tiềm thức của họ đã ghi lại những thông tin, những tự ám thị tiêu cực muốn được trừng phạt người khác. Sau này cơ thể của họ đã tự phát bệnh, với mục đích sâu thẳm trong bản năng là làm cho những người đã từng có lỗi với họ phải bị ân hận, đau khổ (hiện tượng này dễ nhận biết nhất là khi trẻ con tự làm mình đau trong lúc ăn vạ).

Ám thị đức tin khắc sâu trong tiềm thức

Đặc biệt, khi một người nào đó đã được nghe và họ thật sự tin theo đức tin tâm linh rằng, họ đang bị đau yếu hay bất hạnh là bởi bị “người âm” quấy nhiễu, hoặc bị nghiệp chướng, do số mệnh, theo tử vi, tướng số, phong thủy, bị bùa chú… thì gần như hết đường cứu chữa, nếu không có những thủ pháp đặc biệt. Trong những trường hợp này thì họ càng là người “tín tâm” bao nhiêu, thì những thông tin này (ám thị và tự ám thị tiêu cực) sẽ lại càng khắc sâu trong tiềm thức và càng khó chữa bấy nhiêu (ám thị và tự ám thị dựa theo đức tin tâm linh là ám thị nguy hiểm nhất, đây chính là ám thị trong Thôi miên cổ điển).

Những “ám thị” và “tự ám thị” ấy sẽ tác động làm cho cơ thể bị bệnh.

Những “ám thị” và “tự ám thị” ấy sẽ tác động làm cho cơ thể  bị bệnh.

Trong rất nhiều trường hợp, những thông tin tiêu cực này đã vô tình lọt vào tiềm thức của họ, khi họ ở trong những trạng thái mà người ta tập trung cao độ, hoặc khi tần số sóng não của họ đã hạ thấp từ cuối dải sóng Alpha đến Theta (trạng thái mơ màng giữa thức và ngủ). Trong trạng thái này thì nhiều khi chỉ một câu nói của người khác (ám thị), hoặc một suy nghĩ tiêu cực kiểu “bị bệnh này thì không thể khỏi”, “bệnh này phải mang suốt đời” (tự ám thị)… cũng sẽ trở thành một nỗi ám ảnh. Những “ám thị” và “tự ám thị” ấy sẽ tác động làm cho cơ thể của họ bị rối loạn, họ sẽ bị bệnh và mang bệnh ấy suốt đời đúng như suy nghĩ của họ.

Ám thị và tự ám thị rác (những ám thị và tự ám thị tiêu cực vô tình lọt vào tiềm thức) là những ám thị khó gỡ nhất, bởi người ta không biết, không nhớ và không hề nghĩ đến, nhưng một khi những ám thị tiêu cực ấy đã lọt được vào tiềm thức, thì nó sẽ liên tục tác động để làm rối loạn hệ thống vận hành của cơ thể, cho đến lúc cơ thể của họ thực sự bị đau yếu, đúng như những thông tin (ám thị và tự ám thị) đã được ghi nhớ trong tiềm thức.

Nguyên nhân của nhiều căn bệnh mãn tính lại không xuất phát từ sự tổn thương thực thể, mà nó được liên kết với những nỗi đau, hoặc hoảng sợ được ghi trong tiềm thức. Ví dụ, có rất nhiều người cứ nghe thấy tiếng còi cứu thương hay cứu hoả, nghe thấy thông tin tai nạn… là họ lại bị hoảng loạn, huyết áp tăng cao. Nguyên nhân ở đây thường là trong tiềm thức của họ đã được ghi những nỗi sợ hãi, đau đớn trong một vụ cháy, hoặc tai nạn. Rất tiếc rằng những thông tin mà họ đã ghi lại trong tiềm thức nhiều khi không hề có trên thực tế, mà chẳng qua chỉ bởi vì họ đã từng xem phải những bộ phim đã làm cho họ khiếp sợ và họ đã nhập tâm. Có nhiều người, đặc biệt là những người đã bị cắt tay chân, hay những người đã từng trải qua đại phẫu, mặc dù vết thương vật lý đã hoàn toàn bình phục, nhưng thỉnh thoảng (trái gió, trở trời) họ lại bị đau (cảm giác đau ảo)… Tất cả những cảm giác đau đớn, hoảng loạn này đều không bắt nguồn từ thực thể, mà chúng đều đã được khơi dậy từ ghi nhớ trong những tế bào và từ những thông tin trong tiềm thức.

Cũng vì những nỗi đau (cả về thực thể và tinh thần) đã đẩy rất nhiều người lọt vào động cơ “chạy trốn nỗi đau” trong bản năng, động cơ này kích thích thúc đẩy làm cho họ không muốn gặp người thân, bỏ nhà ra đi, hoặc phải dùng tới rượu hoặc các chất kích thích khác, kích thích giúp cho họ không còn phải cảm nhận những cảm giác khó chịu trên cơ thể và tinh thần của mình…Từ đó gây ra tình trạng nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện game, nghiện cờ bạc,… Thậm chí làm cho họ chán sống dẫn tới tự sát.

(còn nữa)

ThS Nguyễn Mạnh Quân

(Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học Thôi miên Việt Nam)

ThS Nguyễn Mạnh Quân

BẢN DESKTOP