Y học và đời sống

Luyện thở dưỡng sinh chữa thoát vị đĩa đệm

  • Tác giả : Kiều Anh
(khoahocdoisong.vn) - Với tinh thần lạc quan, kiên trì tập luyện thể dục dưỡng sinh cùng chế độ ăn uống hợp lý, bà Trần Thu Loan, 59 tuổi (Khu 212 Tân Xuân, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã ổn định được bệnh thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống.

Lạc quan để vượt qua bệnh tật

Thoạt nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn và làn da sáng mịn, không ai có thể nghĩ rằng bà Loan từng mắc căn bệnh ung thư đại tràng từ năm 2001, đã phải phẫu thuật cắt bỏ khối u và trải qua 6 đợt truyền hóa trị. “Hồi đó tôi khổ lắm, con vẫn còn nhỏ, hôm nào cũng phải đưa đón con đi học. Sau khi điều trị xong, cơ thể gầy, yếu nhưng tôi không nghỉ vẫn đi làm, vẫn sinh hoạt bình thường. Có bệnh đấy, nhưng trong đầu luôn nghĩ mình là người không có bệnh, phải lạc quan để cố gắng vượt qua. Chứ nếu lúc nào cũng nghĩ đến bệnh, sẽ rất nặng nề” - bà Loan chia sẻ.

Năm 2010 bà Loan lại phát hiện bị u xơ tuyến vú và u xơ tử cung, buồng trứng, lại phải phẫu thuật…Mặc dù, sức khỏe yếu như vậy nhưng bà Loan vẫn làm việc không ngừng nghỉ.

Từng đấy bệnh tật, mấy lần mổ, vậy mà bệnh tật vẫn chưa buông tha. Một thời gian, bà thấy đau nhói ở vùng cổ và vùng thắt lưng. Cơn đau âm ỉ vài ngày đầu và càng ngày càng đau dữ dội, nhất là khi vận động mạnh. Thỉnh thoảng xuất hiện cơn đau vùng dưới lưng, đau lan buốt xuống mông và kéo xuống chân. Bà đi khám và được bác sĩ chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống lưng. Bà đi châm cứu nhiều nơi, uống thuốc Đông Tây y đủ cả nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm.

Dưỡng sinh tinh thần thoải mái

Nghe nhiều người rủ đi tập dưỡng sinh, nhưng mãi đến tháng 8/2018, bà Loan mới bắt đầu tham gia CLB thể dục dưỡng sinh tổ 2 Tân Xuân. Sau một thời gian tập luyện, bà thấy cơ thể dẻo dai hơn trước rất nhiều, không còn thấy xuất hiện những cơn đau lưng, đau vai gáy nữa, các chỉ số tiểu đường cũng được cải thiện đáng kể và đặc biệt tinh thần rất thoải mái.

Theo bà Loan, bí quyết để luyện tập có hiệu quả trong thể dục dưỡng sinh chính là luyện thở. Kỹ thuật thở đúng là mở thanh quản ở thời giữ hơi, sau khi hít vào gắng sức. Đầu tiên, hít hơi sâu đẩy khí xuống đáy phổi. Giữ hơi lại trong phổi để trao đổi khí oxy và khí cacbonic (CO2) hoàn chỉnh. Sau đó, thở ra từ từ và tự nhiên. Cuối cùng, thả lỏng hoàn toàn cơ thể. Thở tốt, khí huyết lưu thông giúp cơ thể khỏe mạnh.

Ngoài luyện tập thể dục dưỡng sinh, bí quyết giúp bà Loan lấy lại sức khỏe chính là uống nước nấm linh chi mỗi ngày. Bà cho 5 – 7g nấm đã thái lát và nước vào ấm đun đến khi sôi, sau đó đậy nắp kín hãm trong 20 phút là dùng được, có thể hãm nhiều lần cho tới khi màu nước trong, hết vị đắng thì bỏ bã. Đặc biệt, bà Loan rất hay ăn các loại cá như cá thu, cá hồi, cá trích,… Bà cho rằng, trong loại thực phẩm này có chứa chất axit béo omega 3 giúp giảm đau nhức xương khớp.

“Tập luyện dưỡng sinh thường xuyên giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn khiến người cao tuổi cảm thấy thèm ăn và ăn ngon miệng hơn, từ đó nâng cao khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Các động tác vận động cột sống trong các bài tập dưỡng sinh còn làm tăng cường độ dẻo dai, phòng ngừa bệnh loãng xương ở người cao tuổi, giúp người già lạc quan, tinh thần thoải mái hơn.

Ngoài ra, nấm linh chi có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, giúp ổn định huyết áp, tăng cường tuần hoàn máu, giảm mệt mỏi, hỗ trợ thần kinh… Tuy nhiên, người bị huyết áp thấp hay người bị dị ứng với các loại nấm cần thận trọng khi dùng nấm linh chi” - BS Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.

Kiều Anh

BẢN DESKTOP