Dữ liệu y khoa

Lưu ý khi tiêm thuốc cản quang trong chụp CT

  • Tác giả : Kỹ thuật viên Lê Lương Sơn
(khoahocdoisong.vn) - Thuốc cản quang là những chất được sử dụng để làm tăng mức độ tương phản của cấu trúc hoặc dịch cơ thể khi chụp hình trong kỹ thuật chụp cộng hưởng từ, siêu âm hay chụp X-quang. Thuốc cản quang thường được dùng để xác định rõ các mạch máu, khối u và các cơ quan trong hệ tiêu hóa.
Kỹ thuật viên hướng dẫn cho bệnh nhân.

Kỹ thuật viên hướng dẫn cho bệnh nhân.

Tại sao cần tiêm thuốc cản quang?

Chụp CT mô phỏng có thuốc cản quang áp dụng trong một số trường hợp, cần khảo sát tổn thương u, hạch di căn và mạch máu kỹ lưỡng hơn, khi có chỉ định của bác sĩ xạ trị, kỹ thuật viên sẽ tiêm vào cơ thể một loại thuốc cản quang. Thuốc cản quang có chứa iốt sẽ làm cho những cấu trúc hoặc khối u, hạch di căn tăng ngấm thuốc có màu trắng sáng trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, điều này sẽ giúp phân biệt vùng bất thường với các cấu trúc khác xung quanh nó.

Hình ảnh CT mô phỏng có tiêm cản quang giúp bác sĩ xạ trị và kỹ sư vật lý xạ trị có thể vẽ chính xác thể tích khối u, hạch di căn, là một khâu quan trọng trong quy trình xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh, từ đó giúp nâng cao chất lượng điều trị, tăng khả năng điều trị chính xác khối u và hạch di căn, đồng thời giảm tác dụng phụ cho bệnh nhân.

Tiêm thuốc cản quang có chống chỉ định tương đối, không dùng cho người bị suy gan, suy tim mất bù, người bị suy thận độ III, IV. Nếu buộc phải tiêm thuốc, bác sĩ cần lên kế hoạch chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân ngay sau khi tiêm thuốc cản quang. Người bị đa u tủy, đặc biệt là bệnh nhân thiểu niệu không dùng. Nếu cần phải chụp cắt lớp vi tính thì cần truyền dịch cho bệnh nhân. Những người có tiền sử dị ứng thuốc, tiền sử hen phế quản, cơ địa dị ứng; Người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, cường giáp, hen suyễn, hồng cầu hình liềm, phụ nữ có thai đều không được tiêm. Đối với phụ nữ đang cho con bú, thuốc cản quang tiết vào sữa mẹ là rất thấp, tuy nhiên nên ngưng ít nhất 24 giờ sau khi chụp có cản quang mới cho trẻ bú lại. Chống chỉ định tiêm thuốc cản quang tuyệt đối đối với người bị mất nước nặng, người bị dị ứng với iot.

Dự phòng phản ứng thuốc cản quang

Dự phòng dị ứng thuốc cản quang bằng cách chọn loại thuốc phù hợp. Các thuốc nonionic đẳng trương hoặc nhược trương dường như ít dị ứng hơn so với các thuốc khác. Chính vì thế, đây sẽ là lựa chọn cho các đối tượng bệnh nhân có tiền sử hen phế quản, đang dùng chẹn beta, IL-2 hoặc NSAIDs hoặc những bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc đặc biệt là thuốc cản quang. Những bệnh nhân này cần hết sức thận trọng khi phải dùng thuốc cản quang bằng bơm tiêm áp lực. Khi sử dụng thuốc cản quang ngoại mạch, ít có nguy cơ dị ứng hơn, tuy nhiên, nếu bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang trước đó, thì vẫn nên dùng thuốc dự phòng trước corticosteroid và kháng histamin là 2 thuốc được sử dụng trong điều trị dự phòng. Nên kết hợp với sử dụng thuốc cản quang nonionic locm để giảm nguy cơ dị ứng thuốc.

Trước khi chụp, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ và kỹ thuật viên kiểm tra các vấn đề an toàn trước tiêm thuốc cản quang như tiền sử dị ứng, tiền sử hen phế quản, có bị tiêu chảy, mất nước không, có bị tiểu đường và đang dùng thuốc metformin, có bị suy thận không.

Chỉ định kiểm tra chức năng thận: creatinine, ure máu cần thiết được đánh giá trước khi sử dụng thuốc cản quang. Ngưng các thuốc có nguy cơ độc cho thận đang sử dụng, đặc biệt lưu ý, các thuốc chống viêm nonsteroid, lợi tiểu ngưng trước 24 giờ, metformin ngưng trước 48 giờ. Các thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể không bắt buộc ngưng nghiêm ngặt. Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 2 - 4 giờ trước khi tiêm thuốc cản quang. Nếu bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc, hải sản, hen phế quản thì sẽ được dự phòng phản ứng trước khi sang phòng chụp CT mô phỏng và tiêm thuốc cản quang.

Trong quá trình chụp, kỹ thuật viên sẽ động viên, hướng dẫn để bệnh nhân hợp tác, bình tĩnh, thở nhẹ nhàng, không hồi hộp và không cử động tự do khi tiến hành tiêm thuốc và chụp CT mô phỏng. Sau khi chụp, bệnh nhân được theo dõi tại phòng chụp hoặc phòng hồi tỉnh ít nhất 30 phút để xem có phản ứng bất thường gì không. Nếu bệnh nhân ngoại trú, không có các yếu tố nguy cơ thì có thể về nhà, uống nhiều nước, theo dõi lượng nước tiểu trong vòng 24 giờ. Nếu thấy lượng nước tiểu ít đi so với bình thường thì đến lại bệnh viện kiểm tra chức năng thận.

Kỹ thuật viên Lê Lương Sơn (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Kỹ thuật viên Lê Lương Sơn

BẢN DESKTOP