Có hai hình thức nhịn ăn gián đoạn: hạn chế thời gian ăn trong ngày (ăn từ 6-8 giờ và nhịn ăn trong 16-18 giờ còn lại) hoặc nhịn ăn liên tục trong vòng 16 đến 24 giờ, hai lần một tuần.
Trong quá trình trao đổi chất, cơ thể làm việc tích cực để chuyển hóa lượng thực phẩm thành nguồn năng lượng ổn định. Ví dụ, trái cây được phân hủy thành các chất dinh dưỡng vĩ mô và vi lượng, thông qua enzym tiêu hóa. Carbohydrate như gạo và các loại rau giàu tinh bột được phân hủy thành glucose, hấp thụ vào máu và tạo năng lượng nhanh, với sự trợ giúp của insulin.
Khi tế bào không sử dụng tất cả glucose từ thực phẩm, nó sẽ được lưu trữ trong gan và cơ dưới dạng glycogen. Ở trạng thái dư thừa calo, tất cả năng lượng còn lại sẽ được lưu trữ trong các tế bào mỡ, dưới dạng chất béo.
Giữa các bữa ăn, cơ thể sử dụng glycogen và một số chất béo dự trữ để làm năng lượng. Một khi nguồn dự trữ này cạn kiệt (thường là từ 12-36 giờ sau bữa ăn cuối cùng), cơ thể bắt đầu phân hủy nhiều chất béo hơn để tạo năng lượng.
Việc nhịn ăn gián đoạn cuối cùng khiến cơ thể trải qua tình trạng ketosis và chuyển hóa sang phân hủy chất béo, sử dụng axit béo dự trữ thay vì glycogen để tạo năng lượng.
Theo các chuyên gia, nhịn ăn gián đoạn vẫn có thể dẫn đến tăng cân. Nhịn đói trong thời gian dài có thể khiến một số người ăn uống vô độ sau đó. Việc ăn nhiều calo hơn nhu cầu cơ thể khiến lượng mỡ tăng lên, ngay cả sau chu kỳ nhịn ăn liên tục 12 đến 16 giờ mỗi ngày.
Nhịn ăn trong thời gian dài có thể làm giảm lượng đường huyết, gây ra cảm giác choáng váng, chóng mặt, đau đầu và buồn nôn.
Các chuyên gia khuyến cáo người mắc bệnh nền cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử phương pháp nhịn ăn gián đoạn. Người bị tiểu đường tuýp 1 và đang điều trị tiểu đường rất có thể gặp phản ứng không mong muốn khi thực hiện chế độ ăn này.