Y học và đời sống

Lưu ý khi dùng bồ kết chữa bệnh mùa lạnh

Quả bồ kết là dược liệu quen thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam, rất tiện dụng và hữu dụng trong điều trị nhiều chứng bệnh mùa lạnh. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết dùng bồ kết đúng cách và hiệu quả.

Khói bồ kết có tác dụng diệt vi rút trong không gian nhà.

Trị bệnh mùa lạnh

Theo Đông y, bồ kết vị cay mặn, tính hơi ôn, có độc, đi vào 2 kinh Phế, Đại tràng, có tác dụng thông khiếu, tiêu đờm, sát trùng; làm cho hắt hơi. Bồ kết được dùng chữa trúng phong, cấm khẩu, tiêu thực, đờm suyễn, sáng mắt, ích tinh.

Bồ kết có tinh dầu và hương thơm mạnh, là vị thuốc rẻ tiền, dễ bảo quản, sử dụng đơn giản, đặc biệt thích hợp chữa trị các bệnh trong mùa đông, thiết thực với cả những gia đình ở nông thôn và thành thị.

Cả quả, hạt, lá và vỏ cây bồ kết đều có độc tính. Tuy nhiên, tính độc chỉ cao khi dùng tươi làm thuốc mà không sao hay nướng thật vàng hoặc đốt thành than. Thông thường, dân gian dùng quả bồ kết khô, tích trữ sẵn trong nhà đốt cho thơm phòng vào mùa đông giúp thông xoang, trị nghẹt mũi, giải cảm, tỉnh não, trị phong gió, chữa ho….

Trị nghẹt mũi, khó thở hoặc viêm xoang: đốt quả bồ kết, xông khói vào mũi, mũi sẽ thông và dễ thở hơn.

Thông mũi, tỉnh não: hãm nước từ trái bồ kết tươi hoặc phơi khô nghiền nhỏ và pha nước uống, hương vị và mùi thơm của bồ kết có tác dụng thông tắc mũi, ngạt mũi, thông khí, sảng khoái tinh thần.

Trị ho: bồ kết 1g, quế chi 1g, đại táo 4g, cam thảo 2g, sinh khương 1g, nước 600ml, sắc còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày. Phòng bệnh cho sản phụ: lấy 1 chậu than củi đốt cháy đỏ rồi rải 1 lượt quả bồ kết cùng 1 ít muối cho sản phụ xông.

Trị trúng gió không nói được: dùng quả bồ kết bỏ hạt, lấy vỏ nướng cháy nghiền thành bột, ngày uống 0,5 – 1g. Nếu sắc thì dùng 5 – 10g quả bồ kết bỏ hạt sắc uống.

Trường hợp trúng gió bị méo miệng nhưng vẫn nói được thì dùng khoảng 10 quả bồ kết nướng giòn, tán nhỏ mịn, trộn với loại dấm tốt cho sền sệt. Miệng méo về bên trái thì đắp má bên phải và ngược lại. Khi nào khô thì hòa thêm dấm cho vừa dẻo để đắp. Cách này có tác dụng với người mới bị bệnh.

Đề phòng say bồ kết

Bồ kết là dược liệu dân gian phổ biến, dân gian thường dùng đốt để đuổi “hàn tà” làm sạch không khí, sưởi ấm nhà vào mùa đông. Tuy nhiên, bồ kết có tính độc, không biết cách sử dụng có thể gây nguy hiểm.

Người bị trúng độc từ bồ kết có các triệu chứng ngộ độc là tức ngực, nóng rát ở cổ, nôn ói, sau đó tiêu chảy, tiêu ra nước có bọt, đau đầu, mệt mỏi, chân tay rã rời.

Trong cây bồ kết, cả quả, hạt, lá và vỏ đều có độc tính, nhưng tính độc chỉ cao khi dùng làm thuốc uống, còn nếu chỉ sử dụng ngoài da thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phụ nữ đang mang thai, tuyệt đối không được dùng bồ kết (trái, lá, gai), vì trong bồ kết có chất tẩy rửa, tính acid nhẹ gây hưng phấn cổ tử cung dễ sinh non, sảy thai, và ảnh hưởng không tốt tới thai nhi dễ bị sinh con dị tật.

Những người có tỳ vị yếu cũng không nên dùng bồ kết vì sẽ làm trướng bụng, tức bụng, bụng thường kêu óc ách, ăn uống khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, làm mất ngủ…

Những người mắc bệnh về đường tiêu hóa, bệnh dạ dày, tá tràng cũng không nên dùng sẽ làm cho bệnh nặng thêm, vì trong hạt bồ kết có chất kích thích, tẩy rửa…

Dân gian, nhất là vùng nông thôn, miền núi thường đốt lửa sưởi ấm trong nhà rồi rắc muối và bồ kết để thơm phòng, thông xoang mũi, trị cảm…

Bà con cũng quan niệm đốt bồ kết thì ma quỷ không quấy vía trẻ nhỏ nên những gia đình có sản phụ mới sinh thường sưởi ấm bằng than và đốt bồ kết.

Tuy nhiên, nếu đốt bồ kết với số lượng lớn trên 10 quả trong một thời gian dài lại có thể gây say, khó thở, đặc biệt ảnh hưởng đến hô hấp của trẻ nhỏ và sản phụ. Những người đang đói không nên dùng bồ kết vì có thể gây ngộ độc, say bồ kết. Đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ có thể dẫn đến các triệu chứng mệt mỏi như bị ngộ độc thực phẩm.

TTND.TS Nguyễn Hồng Siêm

Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội

BẢN DESKTOP