Giáo dục

Lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng: Chọn ngành không chỉ nhìn vào tên gọi

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) lưu ý các thí sinh khi chọn ngành không nên quá chú trọng vào tên gọi, mà nên tìm hiểu thực chất nội dung đào tạo và uy tín của cơ sở đào tạo.

Không nên quá chú trọng vào tên gọi

Từ ngày 19/9/2020 thí sinh cả nước sẽ bắt đầu có 7 ngày điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến, thời gian kết thúc vào ngày 25/9. Và từ ngày 19 - 27/9/2020 là thời gian điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh có quyền điều chỉnh lại tổ hợp xét tuyển, ngành học, trường… Việc lựa chọn ngành học thế nào để có khả năng trúng tuyển cao, mà vẫn phù hợp với nguyện vọng, yêu thích của mình là băn khoăn của nhiều thí sinh.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về việc chọn ngành của các thí sinh trong thời điểm này, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, một trong những lưu ý với thí sinh khi chọn ngành học là không nên quá chú trọng vào tên gọi, mà phải nhìn vào thực chất nội dung đào tạo và uy tín của cơ sở đào tạo.

Ví dụ, có nhiều thí sinh yêu thích ngành Công nghệ thông tin (CNTT), nhưng đây là một lĩnh vực rất rộng có rất nhiều hướng chuyên sâu (như cơ sở dữ liệu, công nghệ web, trí tuệ nhân tạo). Và hiện giờ cũng xuất hiện những ngành hoặc hướng chuyên sâu mới nằm ở ranh giới giữa CNTT, toán ứng dụng và các khoa học ứng dụng khác. Chẳng hạn, Khoa học dữ liệu bao gồm cả toán ứng dụng, thống kê toán học, tin học và lĩnh vực ứng dụng.

Lại có những ngành tên không rõ ràng là CNTT nhưng thực chất vẫn là những lĩnh vực nằm trong hoặc rất gần với CNTT trên diện rộng. Ví dụ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có ngành Toán tin, ngành Máy tính và khoa học thông tin, và năm nay có thêm chương trình đào tạo mới là Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật điện tử và tin học. Đây đều là những ngành đào tạo rất gần với CNTT.

Hoặc cùng một tên gọi nhưng nội dung và thế mạnh của các trường có thể có sự khác nhau. Cho nên, thí sinh cần có sự tìm hiểu sâu, kỹ về ngành mình định lựa chọn. Sau đó, cân nhắc năng lực, khả năng điểm thi của mình.  

Trong trường hợp điểm thi chưa thực sự tốt, không vượt trội so với điểm chuẩn năm trước của ngành học mà mình yêu thích, theo ông Linh sẽ có hai hướng: Một là vẫn đăng ký vào ngành yêu thích nhưng ở những trường nhỏ, không thực sự mạnh ở lĩnh vực đó. Và thứ hai, nên xem xét những ngành rất gần với ngành mình thích nhưng ở những trường đại học lớn, có uy tín.

Khi học ở những trường lớn, có uy tín sẽ lợi thế là các thầy cô làm nghiên cứu khoa học, các em có thể sẽ được đào tạo theo hướng chuyên gia. Còn những trường nhỏ, đội ngũ giảng viên mỏng và không có sự kết hợp với đào tạo nghiên cứu thì có thể sẽ đào tạo các em đi theo hướng “thợ nghề”. Ví dụ, đối với ngành CNTT, các em sẽ thành người lập trình viên chứ không phải những chuyên gia về CNTT, khoa học dữ liệu. Cho nên, các em cần cân nhắc.

Đối với việc sắp xếp nguyện vọng, theo Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, sẽ dựa trên các yếu tố: ngành học mà mình yêu thích, uy tín của trường đại học và điểm chuẩn của các năm trước. Từ đó, các em sẽ sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới. Khi chưa biết kết quả thi thì có thể sắp xếp theo sở thích của mình. Nhưng đến khi đã có điểm thi rồi, yếu tố sở thích có thể phải đặt xuống thứ hai, chọn những ngành rất gần với ngành đó.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm tới cơ hội sau khi tốt nghiệp như thế nào… Thực tế, có những ngành và chương trình đào tạo tên không kêu, hấp dẫn nhưng có thể lại rất phù hợp với một số em và có cơ hội việc làm rất tốt sau khi ra trường. Cũng không nên quá phụ thuộc vào tâm lý đám đông, có những ngành khoa học tự nhiên ít người quan tâm nhưng cơ hội học tập sau đại học và làm việc lại rất rộng mở.

Đi đường vòng thậm chí còn tốt hơn đi đường thẳng

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm, trong việc chọn ngành, sắp xếp nguyện vọng, sở thích, đam mê là số 1. Tuy nhiên, thích là một chuyện, còn mình có đủ khả năng đạt được hay không lại là chuyện khác.

"Tựa như mình thích một cô gái đẹp, nhưng cũng cần phải suy xét, đặt ra câu hỏi là liệu có thể chinh phục, có được tình yêu của cô ấy hay  không? Giả sử khoảng cách giữa hai người quá xa, năng lực có hạn thì cũng đừng quá mơ mộng. Nếu điểm thi của mình so với dự báo điểm chuẩn năm nay và điểm chuẩn của năm ngoái vượt xa tầm với thì nên có lựa chọn khác. Nhưng có cách đi vẫn đảm bảo đạt được đam mê của mình", ông Tớp chia sẻ.

Cách đi đó, ông Tớp cho biết, có thể đó là lựa chọn học song bằng. Ví dụ, muốn vào học ngành CNTT, nhưng điểm các em hơi "đuối", thì có thể chọn học Khoa học công nghệ, là ngành có điểm thấp hơn. Sau đó, lựa chọn học song bằng là CNTT. Như vậy, dù có vất vả hơn, nhưng khi ra trường, có hai bằng sẽ rất tốt.

Thực tế, đã có những sinh viên lựa chọn học như vậy và rất thành công. Ví dụ, có em đang làm chủ một doanh nghiệp rất lớn về ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, thoạt nghe thì thấy dường như hai ngành không liên quan. Nhưng nghề “tay trái” là công nghệ thông tin đã hỗ trợ cho nghề “tay phải” xây dựng của em, và tạo nên thành công.

PGS.TS Trần Văn Tớp chia sẻ, đại học không phải con đường duy nhất để các em vào đời. Hiện nay, các trường nghề đang mở rộng, thí sinh có thể lựa chọn học nghề, tìm một ngành nghề để lo cho cuộc sống của mình. Sau khi học nghề xong, nếu muốn, các em vẫn có thể học liên thông lên đại học, cơ hội luôn rộng mở với các em. Đây cũng là một cách đi “đường vòng” rất tốt dành cho những thí sinh không đậu đại học nhưng vẫn có ước muốn học lên cao.

Mai Loan

BẢN DESKTOP