Khám phá

Lưỡng quốc Trạng nguyên Đào Sư Tích – Kỳ 3: Người phụ nữ tên Đông

Xung quanh lời dặn dò trước khi mất của Đào Sư Tích, lại có nhiều giai thoại về mối tình thời thơ ấu.

Khu đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích.

Lời dặn dò trước khi mất

Đào Sư Tích bình thản đón nhận cái chết, vì ông đã đoán biết trước việc này. Ông an ủi vị đại thần nọ: Thánh thì thoát tục. Ông chẳng nên quá buồn rầu. Chỉ xin cho được chết bằng thuốc độc để ông khỏi phải khổ tâm khi phải trực tiếp giết ta.

Trước khi uống thuốc độc, ông dặn người nhà đi theo rằng: Sau khi ta chết hãy đưa thi hài về chôn ở xứ Hạ Đồng; chỗ giáp ranh ba thôn Đông, có một ngôi mộ; hãy trồng một cây đa ở ngôi mộ đó cho ta. Ngôi mộ đó chính là mộ bà Lê Thị Đông, người bạn thân thiết thời thơ ấu của Đào quan trạng.

Đào Sư Tích mất, vua Minh cho đưa thi hài ông về quê theo di chúc của ông. Thi hài được mai táng tại Phủ Thiên Trường, dân làng Cổ Lễ thờ ông làm thành hoàng, được nhiều triều đại vua chúa ban sắc cho làm thượng đẳng thần.

Về mối tình thời niên thiếu

Giai thoại về ông kể rằng, năm 7 tuổi, Đào Sư Tích đã nổi tiếng là thần đồng. Một lần phải qua sông Hồng sang Thái Bình cắt thuốc bệnh cho cha.

Vì đò đông, Đào Sư Tích phải đợi chuyến sau. Cảm xúc trước cảnh trời nước mênh mang, Đào Sư Tích có làm mấy câu thơ: Trời mênh mông – Nước mênh mông – Tôi phải chờ – Bởi đò đông. Bài thơ thể hiện rõ khung cảnh bến đò, phù hợp với tâm lý người chờ đò nên được nhiều người thuộc và lan truyền rất nhanh.

Tình cờ, cô lái đò lại có tên là Đông. Là người có học, cũng võ vẽ biết làm thơ, khi biết tên tác giả bài thơ “Chờ đò” là Tích, liền gửi cho bài thơ theo kiểu bài thơ của ông: Đêm tĩnh mịch – Nhà tĩnh mịch – Tôi ngồi đọc – Truyện cổ tích.

Bài thơ đơn giản mà rất lạ, có hàm ý, chữ cuối cùng cũng trùng với tên tác giả bài thơ “Chờ đò”. Từ đó hai người trở nên thân thiết với nhau.

Nhưng chẳng được bao lâu thì cô Đông bị gia đình ép gả cho một người dân chài bên kia sông, còn Đào Sư Tích đỗ trạng nguyên và đi làm quan ở triều nên hai người không có dịp gặp lại nhau nữa.

Mối tình từ bài thơ trên bến đò năm ấy còn vương vấn mãi hai người nhiều năm sau.

Một hôm Đào Sư Tích nhận được một bức thư không đề tên người gửi, vẻn vẹn có hai câu: Chức trọng quyền cao ngày nay đã thoả – Còn nhớ năm xưa ngồi đợi con đò? Bức thư làm ông nhớ lại những kỷ niệm đẹp của mối tình tuổi học trò. Vào một đêm trằn trọc không ngủ được, ông ngồi dậy cầm bút viết hai câu thơ: Mười mấy năm trời quyền cao chức trọng –  Không bằng một khắc trên chuyến đò xưa…

Về bài thơ này, dân gian còn lưu truyền một thuyết khác. Cô Đông không phải là người mà tình cờ Đào Sư Tích quen sau khi làm bài thơ “Chờ đò”, mà chính là em của hai người bạn học là Lê Hiến Phủ và Lê Hiến Tứ.

Đông và Tích yêu nhau từ nhỏ nhưng không được hai bên cha mẹ đồng tình mà trái lại còn kiên quyết ngăn cấm. Cha mẹ cô Đông là ông Tô Hiến Chương (sau đổi là Lê Hiến Thái) và bà Lê Thị Nga. Ông bà lấy nhau mãi vẫn không có con.

Bà Lê Thị Nga bí mật đi lại với người bạn thân của chồng và thày dạy của con mình là Đào Toàn Bân (cha Đào Sư Tích) và sinh ra Phủ, Tứ và Đông. Đông và Tích không biết rằng họ là hai anh em cùng cha khác mẹ nên đã vô tình yêu nhau.

Bị cha mẹ ngăn cấm không lấy được Đào Sư Tích, cô Đông quẫn trí nhảy xuống sông tự vẫn. Nơi cô tự vẫn ngày nay còn cây cầu dân gian gọi là cầu “Vô Tình”.

TS Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP