Thời sự

Lượng hành khách tàu Cát Linh – Hà Đông giảm sâu 2 ngày liên tiếp

  • Tác giả : Hoàng Hà
Ngày 16/11, lượng hành khách tiếp tục giảm 6% so với ngày 15/11, nếu so với ngày 14/11 thì tỷ lệ hành khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông giảm tới 54%.
6.jpg
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác từ ngày 6/11 - Ảnh: Trần Hải

Theo báo cáo nhanh kết quả vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, ngày 16/11, có 203 lượt tàu phục vụ hành khách, số hành khách vào ga là 18.390 người. Trong đó ga Cát Linh chiếm 27,9%, ga Yên Nghĩa là 24,1%, còn lại là các ga khác.

Trong khi đó ngày 15/11 lượng hành khách lên tàu Cát Linh – Hà Đông là 19.572, và ngày 14/11 lượng khách là 40.313 lượt người.

Như vậy có thể thấy trong 02 ngày liên tiếp lượng hành khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông có xu hướng giảm sâu.

Cụ thể, ngày 16/11 lượng hành khách đi trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông giảm 6% so với ngày 15/11/202, và giảm tới 54% so với ngày 14/11.

Sau tuần vận hành đầu tiên (từ ngày 6 đến 13/11), Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) đã có báo cáo về số lượng hành khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông.

Theo đó, trong tuần đầu vận hành, tàu đô thị đã phục vụ 165.824 nghìn lượt hành khách (trung bình từ 16.000 đến 20.000 lượt hành khách/ngày). Metro Hà Nội đã huy động 930 lượt tàu chở khách chạy an toàn.

9.jpg
Lượng hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông sụt giảm 2 ngày liên tiếp - Ảnh: Trần Hải

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải, tàu Cát Linh – Hà Đông khi đưa vào vận hành vẫn phát huy được hiệu quả. Tức là chạy tốc độ cao, đúng giờ, năng suất cao và ít gây ô nhiễm môi trường. Nếu chạy tốt và cả kết nối với các tuyến khác một cách hợp lý, số hành khách sẽ tăng lên và đó là hiệu quả.

“Tuy nhiên, đây là tuyến đường sắt đô thị độc đạo cho nên việc kết nối với các tuyến khác cũng không dễ. Tôi cũng rất lo là người dân sẽ đi nhưng tỷ lệ đi sẽ không được cao. Chính sách của Nhà nước là vẫn trợ giá, có thể mỗi toa có 5 - 10 người nhưng vẫn phải chạy. Nếu tình huống đó xảy ra thì càng chạy sẽ càng lỗ. Chính vì vậy, khả năng khó và có thể rất lâu mới hoàn vốn” – TS Nguyễn Xuân Thuỷ nói.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức được khai thác từ 6/11, sau 13 năm triển khai và trải qua 5 đời Bộ trưởng Giao thông vận tải. Đây là cột mốc lịch sử, bởi đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội cũng như của cả nước được đi vào hoạt động.

Dự án có tổng chiều dài 13,05km, toàn bộ đi trên cao. Điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao.

Tổng mức đầu tư ban đầu phê duyệt (năm 2008) là 8.769 tỷ đồng, đến năm 2016, 2017 (QĐ 51/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2016, QĐ 1511/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2017) được điều chỉnh lên hơn 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng).

Dự án sử dụng vốn vay Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 4.134 tỷ đồng.

Đơn vị thi công là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (tổng thầu); Tư vấn giám sát là Công ty TNHH Giám sát xây dựng – Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh; Tư vấn đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống là Liên danh tư vấn Apave – Certifer – Tricc (tư vấn ACT).

Theo tiêu chuẩn thiết kế, đoàn tàu có tốc độ tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác là 35 km/h; thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút. Khi đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày.

Về giá vé khi khai thác thương mại, UBND TP Hà Nội đã thống nhất là 200.000đ/vé/tháng; vé ngày 30.000đ/vé/ngày; vé lượt từ 8.000 - 15.000đ/vé/lượt (tùy theo chiều dài chặng khách đi). Trong 15 ngày đầu sẽ miễn phí, không thu tiền của hành khách đi tàu.

Hà Nội cũng đã phê duyệt phương án kết nối xe buýt với các nhà ga. Ga tàu Cát Linh và ga Yên Nghĩa có 16 tuyến xe buýt, ga ít nhất có 7 tuyến xe buýt. Nhà ga không có chỗ để ô tô, chỉ đáp ứng được với xe máy.

Hoàng Hà

BẢN DESKTOP