Thời sự

Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều còn nhiều vướng mắc

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - TheoTS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Luật Phòng, chống thiên tai và Luật đê điều còn một số bất cập, vướng mắc lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Hội thảo Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều do Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHH) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch LHH Việt Nam cho biết, trong quá trình thi hành các Luật đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay.

Đối với Luật đê điều, ông Nguyễn Viết Tiến,Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn góp ý, việc khai thác cát sỏi lòng sông và nạo vét luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều cần phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều này nhằm mục đích tăng cường công tác quản lý nhà nước ở trung ương.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định việc sử dụng bãi nổi nơi chưa có công trình xây dựng và việc xử lý công trình, nhà ở hiện có ở bãi nổi để khắc phục khoảng trống pháp lý trong quá trình thi hành Luật.

Về Luật Phòng, chống thiên tai, ông Phạm Thế Minh, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam nêu ý kiến, đưa nội dung kế hoạch phòng chống thiên tai cho cấp tỉnh quá nặng nề, chẳng hạn quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông thuộc tỉnh.

Ông Minh phân tích, một dòng sông thường có chiều dài và diện tích lưu vực trên địa bàn tỉnh. Vấn đề xuất hiện lũ thường từ các tỉnh ở đầu nguồn. Những số liệu về lượng mưa, thời gian mưa, diện tích mưa phải ở cấp dự báo của Trung ương, từng tỉnh không đủ số liệu để dự báo và lập kế hoạch.

Còn về Luật Đê điều theo ông Minh, trước hết nên hiểu đúng đê là công trình đắp bằng đất, đá dọc theo bờ sông, bờ biển nhằm ngăn nước tràn vào đồng ruộng và các khu dân cư. 

Đê cần được bảo vệ với chỉ giới bảo vệ an toàn đê nhưng ở những đoạn sông lở thì đê nằm sát với luồng chạy tầu hoặc chỉ giới bảo vệ công trình đường thủy được quy định trong luật giao thông đường thủy. Ở chỗ này cần có thông tư để thống nhất giữ chỉ giới bảo vệ an toàn đê và chỉ giới an toàn luồng chạy tầu hoặc các công trình báo hiệu đường thủy. 
 

Mai Loan

BẢN DESKTOP