Bình luận

Luật không biết nhũng nhiễu!

Theo PGS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia, công cuộc cải cách thủ tục hành chính đến nay đã đạt được khá nhiều thành tựu, xong vẫn chưa thể xóa bỏ được việc cán bộ nhũng nhiễu, gây khó dễ, phiền hà cho dân. Bản thân các chính sách, quy định là để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Luật không biết nhũng nhiễu, chỉ có cán bộ mới làm được việc ấy.

PGS.TS Bùi Văn Nhơn

Lương thấp, phải nhũng nhiễu

Ngày 11/9, Ủy viên Bộ Chính trị – Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo phải thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định. Ông đánh giá thế nào về giải pháp nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính này?

Cán bộ sai thì phải xin lỗi, tiêu cực thì phải bị xử lý, nhũng nhiễu thì phải bị nhắc nhở, mức độ nặng có thể cho ra khỏi bộ máy. Đó là biện pháp cần thiết để nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ công chức khi thực hiện giải quyết các TTHC. Công cuộc cải cách hành chính của chúng ta đến nay đã đạt được khá nhiều thành tựu, cơ chế một cửa giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, cắt bớt đi những khâu rườm rà, gây mất thời gian. Nhưng dù chúng ta làm rất mạnh cũng vẫn còn tình trạng người dân bị nhũng nhiễu, gây khó dễ, thậm chí bị gợi ý đút lót, chạy tiền, tiêu cực để thực hiện các thủ tục nhanh gọn.

Nếu đó là công việc của cán bộ công chức, họ làm để nhận lương, thì vì sao một số người lại phải cố tình tiêu cực như vậy?

Trước khi xin được vào công chức là họ đã có tâm lý phải “kiếm” được gì đó ngoài lương. Vì sao công chức lương thấp thế mà ai cũng muốn vào, thậm chí có người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để chạy vào? Vì sao có một số cán bộ công chức lại giàu thế? Là bởi họ có khoản thu khác ngoài lương. Theo tính toán thì lương có đáp ứng được nhu cầu cơ bản của đời sống đâu, nhưng chẳng thấy công chức nào nghèo. Ấy là nguyên do của những tiêu cực, nhũng nhiễu. Họ phải xoay sở để có khoản này khoản kia, nếu chỉ có lương không thôi thì không sống nổi.

Việc buộc họ phải xin lỗi người dân nếu để xảy ra sai sót trong giải quyết thủ tục hành chính, theo ông sẽ có tác dụng gì?

Nó sẽ khiến người ta làm việc phải cẩn trọng hơn, đúng mực hơn, nhưng cũng do đó mà phải “nghĩ cách” để có những giải pháp “kín đáo” hơn, tránh bị soi mói, bị tố cáo. Tuy nhiên, ở góc độ chung nhìn nhận thì nó cũng là giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ của nền hành chính, nhưng không phải là giải pháp tận gốc.

Vậy giải pháp tận gốc là gì?

Đó là phải đổi mới hệ thống hành chính để hiểu đúng, vận dụng đúng, thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Còn vấn đề con người?

Các giải pháp như nâng cao chất lượng, yêu cầu đối với cán bộ công chức thực ra chưa đem lại hiệu quả cao. Tôi đi giảng về đạo đức công vụ nhiều tôi biết, nhiều khi người ta chỉ nghe rồi chép miệng “ôi dào toàn là lý thuyết”. Thực tế như thế nào lại phụ thuộc vào năng lực và đạo đức của cá nhân, khó mà có giáo trình nào dạy hay luật nào điều chỉnh được.

Nhưng để kiểm soát được sai phạm, nhũng nhiễu thì cần có luật chứ ạ?

Bản thân luật chúng ta có đầy đủ hết rồi, nhưng luật đâu có biết nhũng nhiễu. Chỉ cán bộ mới biết làm việc ấy. Nhiều người nước ngoài họ rất ngạc nhiên chuyện ở ta, người dân nói chung, đa số rất thích vào ngành công an, quân đội. Bởi vào đó học không mất tiền, có việc làm, lương cao. Trong khi vừa rồi ta phanh phui bao nhiêu sai phạm của sỹ quan công an, quân đội, và hẳn tham nhũng vẫn còn nữa. Chưa vào ngành người ta đã nghĩ vào được thì sẽ có nhiều “lộc” rồi. Nói rộng ra để thấy, thủ tục có khó khăn hay không là do con người tao ra cả thôi.

Có tiền mới nhanh

Ông đã bao giờ bị làm khó khi đi giải quyết các thủ tục hành chính?

Có một câu chuyện tôi còn nhớ mãi là trước đây tôi có thành lập viện quản lý nguồn nhân lực. Khi tôi ốm, Viện không có người điều hành nên phải giải thể. Đáng tiếc là khi đi làm thủ tục giải thể, cán bộ thuế “hành lên hành xuống” rất khó khăn. Họ hạch sách đủ điều về thủ tục, giấy tờ nọ kia. Sau đó thực lòng là tôi cũng phải “chạy” thì mới làm được nhanh gọn. Tất nhiên là cùng với đó thì cũng phải mất một số tiền.

Chắc hẳn là có sai thì người ta mới có lý để “hành”?

Thực ra thì các doanh nghiệp cũng vậy, khi hoạt động họ sẽ luôn luôn có vấn đề này vấn đề khác không đúng theo quy định. Nhất là về hóa đơn chứng từ. Cán bộ thường không đưa ra giải pháp tháo gỡ mà luôn tìm cách làm khó rồi “moi tiền”. Có tiền thì mọi thứ sẽ dễ dàng. Thậm chí nhiều người còn làm các dịch vụ ăn theo, sẵn sàng lo việc từ A đến Z với một khoản chi phí nhất định. Nghĩa là, khi đi làm các thủ tục này, có tiền mới nhanh được. Như tôi, chi phí thành lập Viện chỉ bằng một nửa chi phí giải thể.

Nếu thế thì ông có thể kiện họ?

Thực ra cũng bởi vì mình sai, thủ tục giấy tờ có những chỗ chưa chuẩn. Mình buộc phải bỏ tiền để người ta làm cho chuẩn. Tất cả nó đều thế thì biết kêu ai bây giờ. Những thủ tục hành chính đơn giản thì không nói, nhưng phức tạp một chút là rất mệt, mất thời gian, tiền bạc.

Tăng lương lấy gì mà trả

Ông vừa nói, một phần nguyên nhân của tiêu cực vì lương cán bộ công chức thấp. Giải pháp tăng lương để giảm tiêu cực liệu có nên tính đến?

Đúng là nếu tăng lương thì sẽ giảm được tiêu cực, nhưng lấy đâu tiền mà tăng lương với một hệ thống cán bộ công chức quá đông như hiện nay. Lấy đâu ra tiền mà tăng lương. Để nuôi một bộ máy lớn như thế đã là một gánh nặng cực kỳ lớn của ngân sách rồi.

Theo tôi được biết thì năm nào cũng có đợt tăng lương đấy chứ?

Có mà tăng đến giời cũng không bù lại được tăng giá. Việc tăng lương như hiện nay rất lơ lửng, nhưng không tăng không được. Mà tăng đến mức đủ đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì ngân sách lại không kham được.

Có lẽ chỉ còn cách giảm biên chế?

Đã từ rất lâu rồi tôi có nói thẳng tại một số hội thảo, rằng tại sao các cơ quan đoàn thể, mặt trận, các tổ chức thành viên… lại nằm trong cùng hệ thống công chức. Cán bộ công chức có chức năng, nhiệm vụ khác hẳn với cán bộ ở các hội, đoàn thể, mặt trận… nhưng lại đánh đồng và ăn lương ngân sách. Đó là lý do để ngân sách luôn nặng gánh và phình to. Nó chẳng khác nào đố con khỉ và con lợn xem con nào trèo lên cây nhanh hơn.

Muốn tăng lương nhưng không có tiền, tăng lương không đuổi kịp tăng giá, cứ như thế thì biết khi nào cán bộ công chức mới sống được bằng lương?

Đó là điều mâu thuẫn mà bấy lâu nay chúng ta chưa giải quyết được. Trong khi đời sống của cán bộ công chức còn thấp, tham nhũng nhiều, thì việc kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm sai phạm càng cần được đẩy mạnh. Trong đó, đánh vào ý thức của cán bộ như việc xin lỗi dân, là một giải pháp tốt.

Xin cảm ơn ông!

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành, một trong những quy định quan trọng giúp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thời gian qua là Nghị định 61 năm 2018 yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong việc giải quyết TTHC; rà soát, công bố danh mục TTHC và tổ chức đánh giá việc giải quyết TTHC. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa theo hướng nâng tỷ lệ giải quyết “4 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả). Mục tiêu đến hết quý 2/2019, tối thiểu 20% đối với trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, 50% đối với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện hoàn thành việc thiết lập quy trình điện tử và áp dụng việc theo dõi, giám sát theo quy trình điện tử.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP