Đông Á

Luật Hàng hải Trung Quốc – "Thùng thuốc nổ" trên biển Đông, biển Hoa Đông

  • Tác giả : Phúc Sơn
Bắc Kinh buộc tàu nước ngoài thông báo trước khi vào "lãnh hải Trung Quốc", cung cấp thông tin chi tiết - bao gồm tên tàu, biển báo, vị trí hiện tại, cảng ghé tiếp theo và thời gian đến dự kiến...

Thoạt nghe có vẻ như một yêu cầu hợp lý từ phía nhà cầm quyền Bắc Kinh, đặc biệt đối với những con tàu đang chở hàng hóa nguy hiểm.

Nhưng vấn đề sẽ khác đi, khi xem xét điều gì cấu thành "lãnh hải của Trung Quốc".

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền (phi pháp) hầu hết diện tích Biển Đông với yêu sách đường chín đoạn (đường lưỡi bò), cũng như các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Tất nhiên, các nước có chủ quyền trong khu vực sẽ phản ứng dữ dội.

Câu hỏi được đặt ra, liệu Trung Quốc có cố gắng thực thi luật mới của họ ở các vùng biển tranh chấp?

Nếu đúng như vậy, các cường quốc trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không tuân thủ. Trong một kịch bản như vậy, phản ứng của Trung Quốc sẽ là gì ?.

Theo một thông báo do các cơ quan an toàn hàng hải của Trung Quốc đưa ra, kể từ ngày 1/9, năm loại tàu nước ngoài bao gồm: tàu lặn, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hóa chất, khí hóa lỏng hoặc các chất độc hại khác "có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc" - phải cung cấp thông tin chi tiết cho các cơ quan nhà nước về việc đi vào "lãnh hải của Trung Quốc".

Tuy nhiên, các quy định này thiếu chi tiết cụ thể và các nhà phân tích phương Tây cho rằng chúng gần như đi ngược lại với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Trong đó đảm bảo một quốc gia ven biển sẽ không cản trở quyền qua lại của tàu thuyền nước ngoài nếu chúng không đe dọa đến an ninh của quốc gia.

Robert Ward, thành viên cấp cao Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, cho biết: “đây có vẻ như là một phần trong chiến lược giăng lưới pháp lý của Trung Quốc trên các khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền để bình thường hóa những tuyên bố này.

Có thể việc thực thi những quy định này sẽ khó khăn, nhưng việc này ít quan trọng hơn đối với Bắc Kinh, so với việc chậm tích lũy những gì họ coi là cơ sở pháp lý.

Các quy định mới này được xem là hành động thứ hai của Trung Quốc trong việc cố gắng đưa ra lý do pháp lý cho việc tiếp cận hàng hải của họ trong năm 2021.

Trước đó, một đạo luật được đưa ra vào tháng 2.2021 cho phép Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí để bảo vệ chủ quyền quốc gia, một nhiệm vụ trước đây vốn thuộc về quân đội nước này.

Trọng tâm chính của cả hai yêu sách pháp lý mới của Trung Quốc được nhiều người coi là nhằm vào chủ quyền tại Biển Đông, nơi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố là lãnh thổ có chủ quyền của mình, bất chấp các tranh chấp chồng lấn của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia và Đài Loan.

Chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, phó Đô đốc Michael McAllister, cho biết các yêu sách từ phía Bắc Kinh "bắt đầu xây dựng cơ sở cho sự bất ổn và xung đột tiềm tàng" ở Biển Đông .

Mỹ đã thể hiện thái độ không tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc trong khu vực, bằng việc thường xuyên thực hiện các hoạt động tự do hàng hải, thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo tranh chấp.

Trong một bài phát biểu tại Singapore vào tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Lloyd Austin - đã bác bỏ điều mà ông mô tả là tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông.

Nhưng khu vực bất ổn hơn có thể là ở Biển Hoa Đông và vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản nắm giữ, được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, và gọi là Điếu Ngư.

photo-1-161415708103166425348.jpg
Quần Đảo Senkaku/Điếu Ngư nơi cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền

Giáo sư chiến tranh và chiến lược Alessio Patalano cho biết: "Thực thi các quyền của quốc gia ven biển là một bước quan trọng trong việc chứng minh chủ quyền thông qua thực tiễn".

"Nhưng trong những không gian như vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, việc thực hiện nghiêm ngặt các quy tắc hàng hải này chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc đụng độ với các cơ quan bảo vệ bờ biển của các bên tranh chấp như Nhật Bản".

Các thống kê đã chỉ ra rằng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các bên liên quan đụng độ gần như liên tục trong năm nay.

Theo Cảnh sát biển Nhật Bản, các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc đã đi vào lãnh hải của Nhật Bản - trong phạm vi 12 hải lý của đất liền Nhật Bản - 88 lần trong năm nay.

Tại khu vực tiếp giáp - vùng biển giữa các đảo nhưng không cách bờ 12 hải lý - đã có 851 cuộc xâm nhập từ phía Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc nói rằng các tàu tuần duyên của họ chỉ tuần tra vùng biển xung quanh các đảo Điếu Ngư của quốc gia này.

Theo Bắc Kinh, các tàu của Nhật Bản "là kẻ xâm lược" và Trung Quốc có quyền sử dụng vũ lực để loại bỏ chúng.

Global Times - tờ báo của Trung Quốc - đã trích lời một chuyên gia quân sự từ phía Bắc Kinh nêu quan điểm: "Nếu tàu quân sự và các xâm phạm khác vào khu vực lãnh hải của Trung Quốc mà không thông báo trước, nó sẽ bị coi là hành động khiêu khích nghiêm trọng. Quân đội Trung Quốc sẵn sàng thực thi các biện pháp nhằm xua đuổi, thậm chí sử dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để trừng phạt những kẻ xâm lược".

Trung Quốc đã gia tăng sức ép pháp lý đối với Senkakus kể từ năm 2013, khi nước này tuyên bố chúng là một phần của Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ), với các yêu cầu tương tự như các quy tắc mới nhất của Cục An toàn Hàng hải.

Nhưng hành động này đã không dẫn đến các cuộc đụng độ vũ trang.

Tuy nhiên, như nhiều nhà phân tích chỉ ra, chiến đấu thường xảy ra do sai lầm, không được lập kế hoạch cẩn thận.

Một chỉ huy thể hiện dũng khí của mình, ra lệnh nhầm lẫn hoặc thông tin sai, sự cố cơ học của tàu hoặc máy bay - bất kỳ điều gì đều có thể là tia lửa châm ngòi cho xung đột.

Trong bối cảnh tranh luận gay gắt hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản, với đồng minh của họ là Hoa Kỳ, một khi đã nổ súng, rất khó để rút lui.

Phúc Sơn

BẢN DESKTOP