Ngày 17/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức tọa đàm: “Đốt rác phát điện - những vấn đề đặt ra các phương án lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn”. TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng cao và lượng rác thải sinh hoạt bình quân đầu người cũng tăng dần theo tỷ lệ thuận với mức thu nhập của dân cư, việc xử lý chất thải rắn nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng càng trở nên bức thiết, cần phải có giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp. Hiện, nhiều công nghệ trong nước và nước ngoài đã được ứng dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công nghệ nào được công nhận thực sự bảo vệ môi trường.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là Việt Nam không phân loại được rác thải từ đầu nguồn nên các công nghệ đã thành công ở nước ngoài, kể cả các quốc gia đã phát triển như Nhật Bản, các nước khu vực châu Âu, Mỹ… đều không thành công khi áp dụng.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Hiện nay, các công nghệ xử lý rác thải như chôn lấp, đốt thiêu hủy không còn phù hợp ở các đô thị, bởi lượng rác thải quá lớn. Công nghệ khí hóa đang có những ưu điểm như không cần tách loại rác thải đầu nguồn, không có nước thải, không có tro bay… đang được nghiên cứu, đánh giá các tác động đến môi trường để đề xuất áp dụng vào Việt Nam cho hiệu quả.
Điện rác đang được “cổ vũ” mạnh mẽ như là một giải pháp hoàn hảo để xử lý rác thải. Tuy nhiên, hiện nay công tác vận hành của các nhà máy, công nghệ này đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho biết, theo quy định, lò đốt rác bao giờ cũng phải có 2 khoang, trong đó 1 khoang xử lý rác hữu cơ, nhiệt độ khoảng 800 độ C, còn khoang còn lại nhiệt độ phải tối thiểu 1.200 độ C thì mới đảm bảo xử lý được các loại hóa chất có thể phát sinh. Nhưng hiện nay, theo khảo sát, nhiều khoang không đáp ứng được nhiệt độ đốt rác theo quy định khiến lượng hóa chất phát sinh không được xử lý hết, trong đó có dioxin, furan – những chất có khả năng gây ra ung thư cho con người.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Hội Khoa học Nhiệt Việt Nam cho hay, hiện nay, nhiều đơn vị thực hiện đốt rác đang ứng phó với việc lò đốt không đảm bảo nhiệt độ theo quy định là than hoạt tính và lưu giữ khí trong vòng 2 giây. Tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp này, lượng than hoạt tính phát sinh là rất lớn. Thông thường, lượng than hoạt tính này sẽ được chôn xuống dưới đất nhưng vấn đề đặt ra có đảm bảo vệ sinh môi trường hay chưa, khử hết dioxin, furan hay chưa thì người dân không hề biết.
TS Trần Thế Loãn, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, công nghệ đốt rác tiên tiến của thế giới có thể hạn chế tốt khí thải từ quá trình đốt. Vấn đề quan trọng là cần đưa ra hàng rào kỹ thuật để các công nghệ tiên tiến, hiện đại bảo đảm tốt quá trình xử lý khí thải sau đốt. Bên cạnh đó, cần có công cụ đủ mạnh để giám sát hoạt động đốt rác theo các quy chuẩn đã được xây dựng.
Theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa, để đảm bảo các công nghệ xử lý rác thải không gây ảnh hưởng đến môi trường thì công nghệ đó phải khống chế được các loại khí thải độc hại. Nơi nhận rác bắt buộc phải phân loại trước khi đưa vào lò đốt. Cần có các lò đốt rác thải công nghiệp riêng, không nên đốt chung với rác thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải có biện pháp tổng thể để quản lý, kiểm tra, xem xét tác động của khí thải lò đốt đến môi trường…