Bình luận

Lòng tham của con người là vô đáy

Nói về việc liên tiếp hàng loạt tướng công an, quân đội bị xử lý kỷ luật, thậm chí là phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những sai phạm của mình, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an cho rằng, tất cả xuất phát từ lòng tham vô đáy của con người. Khi họ có quá nhiều quyền lực mà không bị kiểm soát, dễ phát sinh sự tham lam vô độ, tay sẽ nhúng chàm.

Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh Trần Hải

Tướng cũng là con người

Chiều 8/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định cách chức Thứ trưởng Công an đối với ông Bùi Văn Thành, do có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác và Bộ Chính trị đã kỷ luật về Đảng. Người đứng đầu Chính phủ cũng quyết định xóa tư cách Thứ trưởng Công an giai đoạn 2011-2016 đối với ông Trần Việt Tân do những vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng. Vậy là trong khoảng thời gian từ đầu năm lại đây, 13 tướng công an và quân đội từ thiếu tướng đến thượng tướng bị tổ chức xem xét, xử lý kỷ luật. Ông cảm thấy thế nào khi nghe tin về những sự việc này?

Là một sĩ quan công an, 40 năm trong lực lượng, khi nghe tin trên tôi cảm thấy rất buồn. Những cán bộ tướng lĩnh mà “nhúng chàm”, bị xử lý bằng hình sự thì đó là điều đau buồn. Nhưng suy cho cùng, tướng lĩnh cũng là người bình thường, không có gì là ghê gớm hay phải có bản lĩnh vượt trội cả, nên chuyện bị tha hóa cũng không phải là khó lý giải.

Khó lý giải vì xưa nay, việc những cán bộ là tướng lĩnh bị xử lý gần như rất hiếm?

Tướng lĩnh thời này có gì là ghê đâu. Đến như bộ trưởng còn sai, còn bảo kê cho tội phạm, đút túi hàng nghìn tỉ đồng, thì tướng có là gì. Cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nâng đỡ, bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh.

Rồi cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son sai phạm, làm thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước đấy thôi. Chuyện cán bộ tha hóa là không loại trừ một ai cả. Đến như thủ tướng, tổng thống ở một số nước cũng phải bị truy tố đấy thôi. Con người ta ai cũng có lòng tham cả. Cộng với quyền lực nữa, thì họ dễ tha hóa.

Như ông nói, tha hóa không trừ một ai?

Đúng thế. Người ta cứ tranh cãi rằng “nhân chi sơ, tính bản thiện” hay “nhân chi sơ, tính bản ác”, nhưng theo tôi phải là “nhân chi sơ, tính bản tham”. Là con người ai cũng có lòng tham. Và trong ai cũng có phần “con” và phần “người”.

Khi điều kiện, hoàn cảnh phù hợp thì sẽ bộc lộ bản chất đó. Người nào để phần “con” lấn át phần “người” thì dễ nhúng chàm, trở thành tội phạm. Tướng tá công an, quân đội cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Dù người ta có ở vị trí nào, được đào tạo bài bản ra sao?

Ở bất cứ vị trí nào cũng thế cả thôi. Cám dỗ là điều khó tránh khi trong tay có quyền lực, gắn với lợi ích, và lại là lợi ích rất lớn. Càng ở vị trí cao, quyền lực lớn, cám dỗ lại càng nhiều. Do đó, đừng nghĩ là tướng tá quân đội, công an thì không hoặc khó sa ngã.

Ai cũng có thể sa ngã khi lòng tham lấn át hết những thứ khác. Chuyện các tướng công an, quân đội vừa qua sai phạm bị xử lý là điều rất đáng buồn, nhưng phải làm quyết liệt, không có vùng cấm, để hạn chế thấp nhất những người khác cũng sa nga như thế.

Bộ Công an sẽ làm quyết liệt

Việc xử lý một lúc hàng loạt cán bộ cao cấp trong công an, quân đội như thế cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng đang không có vùng cấm?

Ở trên đời đời ai cũng muốn có tiền và quyền lực. Nhưng khác nhau ở chỗ kiếm tiền bằng cách nào và đồng tiền họ kiếm sạch hay vấy bùn. Nếu cán bộ nhúng chàm, buộc phải xử lý triệt để, mạnh tay. Tôi tin Bộ Công an sẽ làm rất quyết liệt để lấy lại uy tín, niềm tin của người dân.

Bài học qua những vụ việc này sẽ là gì thưa ông?

Qua vụ việc này, Bộ Công an phải xem lại cách quản lý nhân sự trong đội ngũ của mình. Nhưng phải nói rằng những cán bộ có trình độ lý luận, chuyên môn cao mà tiếp tay, chống lưng cho tội phạm thì rất khó bị phát hiện.

Bởi họ sử dụng thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Việc bắt cựu quan chức cấp cao chẳng khác nào ngành công an đang tự lấy dao cắt vào chính mình. Dù đau nhưng buộc phải làm để trong sạch đội ngũ.

Xưa nay người ta hay đồn đoán, cùng trong ngành thường bao che, nương nhẹ, nhưng qua sự việc này chắc có lẽ đồn đoán đó là sai?

Tôi tin tưởng Bộ Công an làm đến cùng, không nương nhẹ ai cả. Việc bắt cựu quan chức cấp cao chẳng khác nào ngành công an đang tự lấy dao cắt vào chính mình. Sau những vụ việc này, công an sẽ trưởng thành và quản lý nhân sự, cán bộ tốt hơn.

Việc bắt ông Phan Hữu Tuấn, ông Phan Văn Vĩnh hay ông Nguyễn Thanh Hóa thể hiện khi phạm pháp, quan chức “hạ cánh” chưa chắc đã an toàn. Dù nghỉ hưu 10 năm, 20 năm nhưng khi họ phạm tội vẫn bị truy đến cùng.

Dường như là càng có công cụ quyền hành trong tay, người ta càng dễ sa ngã hơn. Ông có lời khuyên nào cho những người chưa “nhúng chàm”?

Qua những sự việc này tôi muốn khuyên bảo các quan chức đang làm sai, có ý định làm sai hãy ngẫm lại. Hãy làm người tử tế, sĩ quan tử tế, cán bộ đảng viên tử tế đi. Lưới trời lồng lộng, không thoát được đâu. Được ăn học, giáo dục tử tế thì hãy cố gắng làm người tử tế. Tiết chế bớt nhu cầu để tiết chế lòng tham, tránh sa ngã rồi phải trả giá đắt.

Đừng để mình thành tội phạm

Công an, quân đội là những người thực thi pháp luật. Hàng loạt vụ việc thời gian qua khiến dư luận nghi ngờ về sự trong sạch của lực lượng này, làm thế nào để lấy lại niềm tin?

Trong cuộc đấu tranh với tội phạm, trong khi hàng trăm, hàng nghìn người giữ được mình sẽ có người “nhúng chàm”. Đó là điều không tránh khỏi. Những người bị khởi tố, bắt giam là cán bộ đã tha hóa. Môi trường hoạt động của công an là luồn sâu vào nơi nhiều cám dỗ. Khi vào một nơi có nhiều nước hoa, ta sẽ có mùi thơm.

Ngược lại, đi vào một nơi ô nhiễm thì dễ bị nhiễm độc và sa ngã. Đừng vì ông Hóa, ông Vĩnh, ông Tuấn, người dân nghi ngờ thành tựu, chiến công của ngành công an trong công cuộc bảo vệ người dân và Tổ quốc. Dù sao đó cũng là số ít và ngành công an đang nỗ lực xây dựng lại bộ máy, hoạt động hiệu quả hơn.

Theo ông thì ai phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm đó?

Các cá nhân sai phạm đã phải chịu trách nhiệm, cùng với đó thì lãnh đạo cũng phải chịu trách nhiệm. Tới đây, phải giám sát cán bộ, giám sát quyền lực một cách chặt chẽ, không để quyền lực bị tha hóa, người dân sẽ lấy lại lòng tin vào lực lượng này.

Chống tham nhũng trong ngành công an, quân đội dường như là phạm trù mới?

Tôi rất tâm đắc câu nói của Tổng bí thư. Khi lò đã nóng thì bất cứ ai, ở vị trí công tác nào cũng sẽ bị xử lý. Tôi tin tưởng vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng này. Với những quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, không chỉ công an, quân đội mà các ngành nghề khác sẽ phải trong sạch hơn, hoạt động hiệu quả hơn, ít tiêu cực, nhũng nhiễu hơn để phục vụ sự phát triển của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Trước đó ngày 28/7, Bộ Chính trị họp, quyết định cách chức tất cả chức vụ trong Đảng (Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật Bộ Công an nhiệm kỳ 2010-2015); giao Ban cán sự đảng Chính phủ thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm đối với trung tướng Thành. Với thượng tướng Trần Việt Tân, Bộ Chính trị quyết định cách chức Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016; giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính và giáng cấp bậc hàm đối với thượng tướng Tân.

Tô Hội (thực hiện)

BẢN DESKTOP