Chữa bệnh không dùng thuốc

Lợi ích sức khoẻ ít người biết của hoa hoè

  • Tác giả : Bảo Châu
Hoa hoè (còn gọi là hoè mễ, hoè hoa mễ) là một vị thuốc nam quý, dân dã, vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam, với nhiều tác dụng hỗ trợ phòng và điều trị bệnh như tăng huyết áp, trĩ, đại tiểu tiện ra máu, mất ngủ…

BS. Nguyễn Thị Mai Phương, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, trong y học cổ truyền, dược liệu sử dụng chính là nụ hoa hoè, nụ hoè được thu hoạch khi còn mới, to và sắp nở.

Hoa được hái khi trời khô ráo vào sáng sớm, được rửa sạch, phơi, sấy khô dùng sống, sao vàng (gọi là Hòe hoa sao) hoặc sao khô bằng nồi đất với lửa to để cháy tồn tính 7/10 phần (gọi là Hòe hoa thán). Có thể có lẫn hoa đã nở theo tỷ lệ không quá 10%, ngoài ra còn có thể sử dụng quả hoè.

Hoa hoè có tính mát, vị đắng, có tác dụng tăng sức đề kháng, làm vững bền thành mạch, giảm tính thấm và tăng độ bền mao mạch, phục hồi tính đàn hồi mạch máu, giảm sự tiêu hao oxy của cơ tim, giúp hạ huyết áp, chống kết tập tiểu cầu, hạ cholesterol, cường tim, giãn động mạch vành, giảm co thắt cơ trơn phế quản và ruột, chống viêm, cầm máu… Sử dụng hoa hoè với liều dùng từ 8-10g/ngày.

Hoa hoè là một vị thuốc nam quý, dân dã, vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam - Ảnh minh hoạ

Hoa hoè là một vị thuốc nam quý, dân dã, vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam - Ảnh minh hoạ

Một số bài thuốc từ hoa hoè

Chữa bệnh trĩ

Các nghiên cứu đã chỉ ra chất troxerutin có trong nụ hoa hoè có đặc tính vận mạch, oxymatrine có tác dụng giảm sưng, bảo vệ các mạch máu. Tuy vậy, điều trị trĩ bằng hoa hoè có tác dụng chậm, cần kiên trì kết hợp chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý hàng ngày.

Cách sử dụng: Hoa hoè 15g, địa du 10g, diếp cá 10g. Hoa hoè, địa du sao đen, sắc cùng diếp cá trong 300 ml còn 200 ml. Uống ngày 1-2 lần

Chữa mất ngủ

Cách 1: Hoa hoè khô 6-12g. Hãm cùng nước sôi 300 ml trong 5-10 phút, uống trước ngủ.

Cách 2: Hoa hoè sao vàng 12g, táo nhân 12g, tâm sen sao vàng 10g. Sắc uống 1-2 lần/ ngày.

Cách 3: Hoa hoè khô 20g, hạt muồng 20g. Tán bột, mỗi lần uống 5g, pha cùng nước ấm, ngày uống 1-2 lần.

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, xuất huyết

Hoạt chất rutin có trong hòe có tác dụng tăng cường sức chịu đựng của mao mạch, làm bền thành mạch. Vì vậy hoa hoè được sử dụng phòng các biến chứng của tăng huyết áp, các bệnh xuất huyết như trĩ chảy máu, chảy máu cam, đại tiện ra máu... rất hiệu quả.

Cách 1: Hoa hoè sao vàng 20g, hạ khô thảo 10g, xuyên khung 10g. Sắc cùng 500 ml còn 300 ml, uống 1-2 lần trong ngày.

Cách 2: Hoa hoè sao đen 30g, trắc bách diệp sao đen 20g, ngải diệp sao cháy 30g. Sắc trong 400 ml còn 200 ml. Uống 1-2 lần/ ngày.

Cách 3: Hoa hoè, thảo quyết minh sao vàng 10g. Hãm uống hàng ngày.

Cách 4: Hoa hoè, hy thiêm thảo 20-40g. Sắc uống hàng ngày.

Trong y học cổ truyền, dược liệu sử dụng chính là nụ hoa hoè - Ảnh minh hoạ

Trong y học cổ truyền, dược liệu sử dụng chính là nụ hoa hoè - Ảnh minh hoạ

Hỗ trợ giảm cân

Có nhiều nghiên cứu chỉ ra trong nụ hòe có một số thành phần giúp kiểm soát quá trình trao đổi chất, giảm cholesterol, giảm hấp thụ chất béo, từ đó giúp giảm cân hiệu quả.

Cách sử dụng: Hoa hoè khô 20g. Hãm trong nước sôi, ủ khoảng 15 phút. Uống theo nhu cầu hàng ngày.

Cách pha trà hoa hòe:

Cho vào ấm 20-30 g hoa hoè khô, rót 300-400ml nước vừa đun sôi vào, đợi 3-5 phút sau khi hoa hòe chìm xuống dưới có thể uống được. Trà hoè được sử dụng trong ngày.

Thận trọng, chống chỉ định

- Người có biểu hiện tỳ vị hư hàn (tay chân lạnh, tiêu chảy, lạnh bụng, chán ăn, khó tiêu...).

- Người huyết áp thấp không nền dùng lượng quá nhiều.

- Phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ nhỏ

Bảo Châu

BẢN DESKTOP