Khám phá

Lời di huấn để đời của Tướng công Đào Quang Nhiêu- Kỳ 2: Lấy đạo đức làm chủ

Không chỉ là một danh tướng, có nhiều công lao với triều đình, với đất nước, nhiều công đức với nhân dân, Đào Quang Nhiêu còn để lại lời di huấn cho con cháu, đáng để cho người đời sau suy ngẫm.

Lễ kỷ niệm 344 năm ngày mất của Tướng công Đào Quang Nhiêu

Lấy nhân nghĩa dạy dân

Khi đang làm trấn thủ xứ Nghệ An kiêm trấn châu Bố Chính, thống suất quan Tả khuông quân dinh phó tướng thiếu úy Đương quận công, Đào Quang Nhiêu qua đời, thọ 72 tuổi. Vua Lê cho 10 thuyền rồng rước linh cữu về quê nhà, tổ chức lễ tang theo nghi thức đại tễ, cho quan quân về lập đền thờ nguy nga, tạc tượng oai nghiêm và cắt riêng một khu đất cho con cháu thờ phụng.

Ông được vua ban thái tể, cho thụy là Thuần Cẩn, bao phong làm phúc thần, lập đền thờ ở quê Tuyền Cam – Thanh Oai – nay là Dân Hoà, Thanh Oai, Hà Nội.

Đặc biệt, Đào Quang Nhiêu đã để lại Lời di huấn cho con cháu đáng để cho người đời suy nghĩ. Di huấn viết:

“Nhà ta là một nhà hết đời nọ đến đời kia làm Vương, làm Tướng, Khanh, Sỹ, Đại phu,… cha truyền con nối, hưởng lộc lâu dài, giúp cơ đồ nhà Vua nổi tiếng, vững bền chí khí, tu sửa bản thân, xa thì làm rạng rỡ công đức của tổ tiên, gần thì làm hiển đạt sự nghiệp của cha mẹ, trên thì lo báo ơn cho nước, dưới thì lo tạo phúc gia đình, ngoài thì lo giúp người, trong thì sửa mình, trừ tàn, khử bạo để cứu nước, yên dân và làm cho xã tắc vững bền.

Mở chợ, lập quán, đắp đường, khai sông, làm cầu để thuận lợi dân sinh, đúc chuông khánh để phong quang miếu vũ, mua ruộng nương để lại cho con cháu, đặt nghĩa điền để thờ phụng quỹ thần, mua vật để phóng sinh làm cho ơn đến cả cầm thú, giúp người hoạn nạn chẳng khác nào như cứu lửa đang lan.

Lấy đức trị dân cũng như khơi dòng tắm mát. Lấy nhân nghĩa dạy dân, lấy khoan hoà xử sự, mở rộng âm chất, tích tụ âm công, chăm sóc ruộng phúc, vun đắp nền nhân. Không cậy quyền, cậy thế, không ngược dân, không dối ma bội chúa, không làm việc bất nghĩa, không giết người vô tội”.

Họa phúc không từ cửa nhà ai

“Những điều thiện thì nên làm, những điều ác thì cố tránh, ăn ở cần thuận thiên lý, động tĩnh phải hợp nhân tâm, khuyên con cháu cũng nên làm như vậy.

Lại rằng: “Họa phúc không từ cửa nhà ai, ai mời thì nó đến, báo ứng của điều thiện, điều ác như bóng với hình. Lòng người chớm nghĩ, thần đã biết rồi, cõi dương có luật phá, cõi âm có ngục hình. Người ta ở đời phải lấy đạo đức làm chủ, lấy hiếu lễ, trung thứ làm đầu. Không có những cái ấy thì làm gì có công danh sự nghiệp, không có những cái ấy thì làm gì có nền móng, gốc rễ, không có những thứ ấy thì làm sao rạng rỡ được ông cha.

Nếu không biết lấy đạo đức nhân nghĩa làm cội nguồn, hiếu nghĩa trung tín làm gốc rễ và là điều đứng đầu của hành động, là lẽ phải của trời đất, là nguồn phép của lòng người thì con người trở thành vô hiệu. Cho nên nói đức là điều thịnh – vượng vô cùng. Bởi vậy biết vun đắp gốc rễ thì được Trường Thọ.

Ai là người đại nhân, đại đức thì được trời giúp hoặc yên vui hoặc được sáng sủa. Phải bền lòng làm việc đức để thuận theo thiên lý mà không tơ hào gian trá. Làm được như vậy thì dù nghèo cũng như giàu, người bình thường cũng trở thành thần thánh, điều đó là chắc chắn.

Cho nên người đời là phải có đức. Nếu ở đời làm điều lành mà không có công danh thì vẫn có âm công, phải giàu công, bền chí không gượng lấy, gượng tìm, ngược lại với thiên – lý, không vơ vét, cướp đoạt, để thuận lòng người, đừng bảo lành nhỏ mà không làm, đừng bảo ác nhỏ thì làm được…”

(còn nữa)

TS Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP