Dữ liệu y khoa

Loét toàn bộ chân vì chiếu tia hồng ngoại chữa tê bì

  • Tác giả : TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)
Vì tê bì bàn chân người bệnh đái tháo đường dùng tia hồng ngoại chữa trị và bị bỏng loét lan rộng toàn bộ bàn chân. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần chú ý khi chăm sóc chân.

Bệnh nhân nữ 47 tuổi, bị đái tháo đường đã 20 năm, và có biến chứng thần kinh ngoại vi gây tê bì nhiều 2 bàn chân. Cách đây 1 tháng, bệnh nhân dùng đèn chiếu tia hồng ngoại vào chân cho đỡ tê và sau 1 vài lần chiếu đèn thì bệnh nhân bị bỏng vùng gan bàn chân. Khi ổ loét xuất hiện và lan rộng toàn bộ bàn chân và các ngón chân, bệnh nhân vẫn không đi khám mà tự mua kháng sinh về uống.

Cho đến hôm nay khi bàn chân sưng nề to, chảy mủ thối và quá mệt thì bệnh nhân mới vào viện trong tình trạng quá nặng: Sốt cao 39 độ, Bàn chân chảy mủ thối, thiếu máu nặng và đường huyết thì rất cao và có biến chứng thận. Bệnh nhân này chắc sẽ phải nằm viện lâu dài, điều trị sẽ cực kỳ khó khăn và tốn kém mà bệnh nhân lại không có bảo hiểm y tế.

Vì vậy, với bệnh nhân đái tháo đường cần thực hiện thực hiện những việc sau:

Loét toàn bộ chân vì chiếu tia hồng ngoại chữa tê bì ảnh 1

Loét toàn bộ chân vì chiếu tia hồng ngoại chữa tê bì

1. Phải mua Bảo hiểm y tế vì những bệnh nhân đái tháo đường lâu thường có nhiều biến chứng mạn tính nặng và nguy hiểm như suy thận, bệnh mạch vành hay loét bàn chân như bệnh nhân này, việc điều trị thường sẽ rất tốn kém. Chỉ chi ra 500 nghìn đồng có thể giúp bạn tiết kiệm hàng trăm triệu đồng.

2. Khi có biến chứng tê bì bàn chân phải nhớ tuyệt đối không được chườm ấm, chiếu đèn hay ngâm chân vào nước nóng vì do cảm giác không chính xác nên rất dễ bị bỏng và loét.

3. Khi có bất kỳ dấu hiệu bàn chân bị loét, sưng hay chỉ là những mụn phỏng nước nhỏ… cũng phải đi khám bác sỹ chuyên khoa Nội tiết ngay để được điều trị toàn diện biến chứng bàn chân. Như bệnh nhân này kiểm soát đường huyết rất tồi, HbA1C là 14,6% (gấp gần 3 lần mức bình thường) sẽ làm giảm sức đề kháng nên có đổ cả tấn kháng sinh tốt nhất vào cũng không thể liền được vết loét. Kiểm soát tốt đường huyết là điều kiện tiên quyết để giúp bệnh nhân vượt qua các biến chứng đái tháo đường.

4. Khi có vết loét hoặc nhiễm trùng bàn chân, kiểm soát đường huyết và kháng sinh là chưa đủ. Chăm sóc tại chỗ bao gồm cắt lọc, dẫn lưu vết loét hay giảm tải chỗ loét cũng cực kỳ quan trọng.

Cứ vào dịp mùa đông hàng năm, Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BV Bạch Mai lại nhận rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng bàn chân nhập viện, thường trong tình trạng rất nặng, nhiều người phải cắt cụt chân. Hy vọng bài viết này sẽ giúp hạn chế các sai lầm đáng tiếc của người bệnh đái tháo đường.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)

BẢN DESKTOP