3 lần ngừng tim chỉ từ cơn sốt nhẹ
Bé P.N.N. (3 tuổi, Phú Thọ) 4 ngày trước khi vào viện trẻ chỉ có triệu chứng sốt nhẹ. Bé đã được được gia đình đưa đến khám tại phòng khám tư, trẻ được chẩn đoán viêm amidal và được kê thuốc kháng sinh về nhà uống. 3 ngày sau, tình trạng sốt của trẻ không tiến triển, thậm chí trẻ sốt cao hơn, mệt nhiều hơn, ăn uống kém và có lần nôn ra thức ăn.
Trẻ được đưa vào Trung tâm Y tế huyện trong tình trạng hôn mê, được tiến hành cấp cứu, đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.
Khi xuống đến Bệnh viện Sản Nhi, trẻ hôn mê sâu, test glucose máu rất cao, xét nghiệm khí máu có tình trạng toan chuyển hóa nặng, rối loạn điện giải nặng, nhận định ban đầu là hôn mê do nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Trẻ được hồi sức tích cực nhưng 2 giờ sau trẻ bắt đầu có rối loạn nhịp tim, xuất hiện nhưng cơn rung thất và ngưng tim 3 lần. Các bác sĩ phải nỗ lực ép tim, sốc điện, sau đó được lọc máu liên tục, sử dụng các loại thuốc trợ tim, vận mạch...
ThS.BS Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết, hiện tại, sau khoảng 3 tuần điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của trẻ đã ổn định và có thể ra viện.
Theo ThS.BS Cao Việt Hưng, viêm cơ tim là hiện tượng các tế bào cơ tim bị tổn thương do nhiều tác nhân khác nhau dẫn đến viêm, hoại tử tế bào cơ tim và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, dẫn đến suy tim nhanh chóng và đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm cơ tim chủ yếu là do virus, trong đó thường gặp nhất là do virus coxsackie B. Một số loại virus khác như virus gây cảm lạnh thông thường (adenovirus), parvovirus B19 (virus gây sốt phát ban), virus herpes (gây bệnh thủy đậu, zona thần kinh), echovirus (virus gây nhiễm trùng đường tiêu hóa), hay virus rubella (gây bệnh sởi)...
Người lớn cũng không nên chủ quan khi thời tiết chuyển mùa
Bệnh viêm cơ tim cấp không chỉ ở trẻ nhỏ mà thường xuất hiện ở những người trẻ từ 20 - 40 tuổi. Thường gặp nhiều ở mùa mưa khi thời tiết chuyển mùa.
ThS.BS Cao Việt Hưng nhấn mạnh, viêm cơ tim cấp có diễn biến nhanh đột ngột, phức tạp, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó phát hiện bởi triệu chứng lâm sàng không điển hình, giống cảm sốt thông thường như: mệt mỏi, đau nhức người, chán ăn... hơn nữa lại hay gặp ở người trẻ tuổi nên càng dễ chủ quan, coi nhẹ.
Bệnh viêm cơ tim cấp chỉ sau vài ngày đã gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, suy tim. Vì vậy, nếu bị cảm sốt và đi kèm theo những biểu hiện khác thường: tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh... thì người bệnh cần lập tức đến cơ sở y tế để phát hiện và điều trị kịp thời.
Các trường hợp viêm cơ tim nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sau phục hồi sẽ không để lại di chứng. Nhưng ngược lại, nhiều trường hợp nặng, phát hiện bệnh muộn, nguy cơ để lại biến chứng suy tim hoặc rối loạn nhịp tim, thậm chí có nguy cơ tử vong cao.
Viêm cơ tim nhẹ thường không có triệu chứng gì đáng chú ý. Người bệnh có thể cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi và có các triệu chứng chung của cơ thể khi nhiễm virus, sau đó tự khỏi mà không hề nhận biết được mình đã bị viêm cơ tim. Trong những trường hợp viêm nặng, người bệnh có thể gặp nhiều triệu chứng và dấu hiệu khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bao gồm: Tức ngực; Nhịp tim nhanh bất thường; Khó thở ngay cả khi đang ngồi nghỉ ngơi hoặc trong quá trình vận động; Phù nề (tích nước) ở chân, sưng mắt cá chân và bàn chân; Cảm giác mệt mỏi; Dấu hiệu và triệu chứng khác như đau đầu, đau nhức cơ thể, đau khớp, sốt, đau họng và tiêu chảy. Ở trẻ các triệu chứng tiến triển nhanh và rõ rệt hơn bao gồm: Sốt, ngất xỉu, khó thở, nhịp thở nhanh và nhịp tim nhanh bất thường.
Khi thấy xuất hiện các triệu chứng trên cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời.