Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 7 đơn vị đang khai thác điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp. Tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn, có 4 đơn vị gồm Công ty TNHH Atlantic Việt Nam; Công ty CP công nghệ xanh Lộc Châu; Công ty CP Intimex Bảo Lộc và Công ty Vinasolar Bảo Lộc. Trong đó, Công ty TNHH Atlantic Việt Nam đã thực hiện đầy đủ thủ tục như giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng…
Doanh nghiệp nghĩ “không cần giấy phép xây dựng”
Đến nay, sau gần 30 tháng kể từ ngày được đấu nối, các dự án nêu trên vẫn chưa có giấy phép xây dựng. Chia sẻ nguyên nhân của tình trạng này, ông Đoàn Việt Dũng, chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời Công ty TNHH MTV Vĩnh Thịnh Khang (đơn vị thuê mái của Công ty CP Intimex và bán toàn bộ điện cho Công ty Điện lực Lâm Đồng), cho biết, 4 tháng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trong Khu công nghiệp Lộc Sơn, không ai hay đơn vị nào hỏi hoặc yêu cầu về giấy phép xây dựng, nên công ty cứ thế triển khai.
“Chúng tôi thấy việc lắp hệ thống mặt trời áp mái cũng giống lắp chống nóng trên mái thôi”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, sau này, khi hệ thống đã hoàn thiện và đi vào hoạt động ổn định, chủ đầu tư cũng không nhận được bất kỳ yêu cầu, thông báo nào từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng về việc hoàn thiện giấy phép xây dựng cho hệ thống điện mặt trời áp mái.
Hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc bị đề xuất xem xét thu hồi dự án đầu tư. |
Liên quan nội dung này, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận chưa có bất kỳ hướng dẫn nào đối với chủ đầu tư về việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục để được cấp giấy phép xây dựng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp trên địa bàn.
Hiện nay, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang xin ý kiến sở, ngành liên quan, thống nhất phương án trình UBND tỉnh Lâm Đồng trước khi có giải pháp cuối cùng đối với hệ thống điện mặt trời áp mái này.
Trước đó, khi trao đổi với phóng viên qua điện thoại, đại diện 2 đơn vị là Công ty TNHH MTV Vĩnh Thịnh Khang và Công ty CP công nghệ xanh Lộc Châu còn cho rằng, hệ thống điện mặt trời áp mái có công suất dưới 1MW được miễn giấy phép xây dựng theo Quyết định 13/2020 của Thủ tướng.
Tuy nhiên, trao đổi với Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức & Cuộc sống, luật sư Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Công ty Luật TNHH Thiên Lý - cho biết, theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 89 Văn bản hợp nhất Luật Xây dựng số 02/VBHN-VPQH, các công trình, dự án được đầu tư trong khu công nghiệp đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà không thuộc các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.
Bên cạnh đó, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTG về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam cũng không đề cập việc miễn giấy phép xây dựng đối với hệ thống điện áp mái dưới 1MW (hệ thống điện mặt trời mái nhà). Do đó, việc chủ đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà mà không có giấy phép xây dựng (điều chỉnh giấy phép xây dựng) là không đúng quy định pháp luật.
Trách nhiệm thuộc cơ quan nào?
Kể từ khi được ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Lâm Đồng, đến nay đã gần 3 năm, các hệ thống điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa hoàn thiện thủ tục về giấy phép xây dựng. Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trong khu công nghiệp thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng.
Đồng tình với quan điểm này, trong văn bản trả lời Báo Tri thức & Cuộc sống, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo chức năng nhiệm vụ được giao, khu công nghiệp trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng là cơ quan quản lý, theo dõi, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng…
Điều này có nghĩa việc cấp giấy phép xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp trên các nhà xưởng trong khu công nghiệp thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn “loay hoay” trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình được giao.
Đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận: “Thời điểm hoạt động đầu tư vào điện mặt trời áp mái ‘bùng nổ’, những chính sách hướng dẫn liên quan việc triển khai vẫn chưa chi tiết, cụ thể, rõ ràng nên cũng không thể ‘ngăn cản’ doanh nghiệp thực hiện, vì doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Thực sự ở thời điểm đó, chúng tôi thực hiện cũng chưa tròn vai trò quản lý”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có 4 văn bản (990; 2704 và 3.991) yêu cầu báo cáo kiểm tra, rà soát và quản lý về việc phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.
Ngày 23/3/2023, Tỉnh uỷ Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo về việc rà soát, xử lý những đơn vị cho bên thứ ba thuê đất trong Khu công nghiệp Lộc Sơn triển khai dự án điện và phải báo cáo trong tháng 4/2023.
Đáng chú ý, ngày 4/5/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản 2704, yêu cầu Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, cũng như Công ty Điện lực Lâm Đồng, rà soát, tổng hợp về phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Trong đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Ban Quản lý các Khu công nghiệp kiểm tra, chỉ đạo những đơn vị lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp phải thực hiện đầy đủ thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định, như giấy phép xây dựng, thẩm định, nghiệm thu hệ thống phòng cháy, chữa cháy…. Trường hợp đơn vị không thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định, đề nghị ngành điện không ký hợp đồng mua bán điện và báo cáo UBND tình hình thực hiện.
Như vậy, với hệ thống điện mặt trời áp mái trong công nghiệp chưa được cấp giấy phép xây dựng, theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Lâm Đồng, các chủ đầu tư phải bị xử lý, xử phạt hoặc có giải pháp căn cơ hơn, thay vì được hoạt động bình thường và vẫn được ký hợp đồng thương mại với Công ty Điện lực Lâm Đồng.
Liên quan nội dung hoàn thiện thủ tục cho các hệ thống điện mặt trời mái nhà, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, trước đây, để khuyến khích, ngành điện tạo điều kiện cho nhà đầu tư nộp sau các loại thủ tục từ phía chính quyền địa phương, nhưng phải cam kết hoàn tất hồ sơ pháp lý cần thiết. Bởi thời điểm đó, nếu đòi hỏi những thủ tục này, không nhà đầu tư nào kịp đưa dự án vào vận hành theo Quyết định 13/2020 của Thủ tướng.
Đến nay, sau hơn 2 năm vận hành, ngoài một số ít chủ đầu tư trình được hồ sơ pháp lý, nhiều chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện đủ hồ sơ, nhất là giấy phép xây dựng.