Trong nước

Loạt lùm xùm liên quan thương hiệu Korean Star - Sao Hàn

  • Tác giả : Ngọc Tuấn
Công ty TNHH Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Korean Star - Sao Hàn vừa bị xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng do có vi phạm tại Phòng khám thẩm mỹ Sao Hàn 1; đồng thời đình chỉ hoạt động phòng khám 18 tháng.

Nhiều lần bị xử phạt

Ngày 1/6, Thanh tra Sở Y tế TP HCM công bố danh sách xử phạt vi phạm hành chính của bộ phận khám, chữa bệnh từ ngày 26/5 đến ngày 30/5. Đứng đầu danh sách là Công ty TNHH Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Korean Star - Sao Hàn (số 156A Lý Thái Tổ, phường 1, quận 3).

Thanh tra Sở Y tế TP HCM xác định, chi nhánh của công ty trên là Phòng khám thẩm mỹ Sao Hàn 1 (địa chỉ 781/C5-C7 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10) đã cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, nên bị xử phạt 90 triệu đồng, đình chỉ hoạt động của cơ sở 18 tháng.

Trước đó, một đơn vị khác thuộc Công ty TNHH Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Korean Star - Sao Hàn là Bệnh viện thẩm mỹ Korean Star - Sao Hàn (địa chỉ 781/C9 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10), nhiều lần bị phạt.

Cụ thể, tháng 10/2022, Bệnh viện thẩm mỹ Korean Star - Sao Hàn bị xử phạt 42 triệu đồng vì: Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cơ sở đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật; Không báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi người hành nghề theo quy định của pháp luật; Lập hồ sơ, bệnh án nhưng không ghi rõ, đầy đủ các mục có trong hồ sơ bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật; Không hội chẩn khi đã điều trị nhưng bệnh không có tiến triển tốt hoặc có diễn biến xấu đi.

Tháng 4/2022, bệnh viện này bị Sở Y tế TP HCM phạt 4,7 triệu đồng, do không niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và không sử dụng trang bị phòng hộ theo quy định của pháp luật.

Thông tin xử phạt Phòng khám thẩm mỹ Sao Hàn 1

Thông tin xử phạt Phòng khám thẩm mỹ Sao Hàn 1

Sự cố thẩm mỹ khiến 2 người tử vong

Ngày 10/4, Sở Y tế TP HCM tiếp nhận thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai về trường hợp của bà L.S.B (SN 1978, người Đài Loan, Trung Quốc) tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, thành phố Biên Hòa vào ngày 9/4/2023.

Trước đó, phụ nữ này được phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ cằm, bụng, đùi tại Bệnh viện Chuyên khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Korean Star-Sao Hàn (địa chỉ 781/C9 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, TP HCM).

Kết quả xác minh bước đầu cho thấy, ngày 1/4, bà L.S.B đến khám tại Bệnh viện Chuyên khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ Korean Star - Sao Hàn. Ngày 2/4, bà nhập viện để phẫu thuật thẩm mỹ và xuất viện về nhà tại tỉnh Đồng Nai ngày 3/4.

Đến trưa 7/4, phụ nữ này bắt đầu có triệu chứng khó thở, không nói chuyện được nhưng vẫn tỉnh táo. Người nhà đưa bà đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Bà B tử vong ngày 9/4.

Ngay sau đó, hồ sơ bệnh án của bà L.S.B được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.

Một trường hợp khác, tháng 2/2022, bà T.T.P.A. (44 tuổi, ngụ Bình Dương) đến đến Bệnh viện thẩm mỹ Sao Hàn phẫu thuật chỉnh hình mũi. Sau khi được làm tiền mê, nữ bệnh nhân bất ngờ ngưng tim, ngưng thở. Các nhân viên y tế tại đây đã tiến hành hồi sức tim phổi cho bệnh nhân. Sau 6 giờ, bệnh nhân vẫn không tỉnh và rơi vào tình trạng hôn mê sâu, được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu trong tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn. Ngày 14/6, bà A. tử vong sau gần 4 tháng điều trị.

Bệnh viện thẩm mỹ Korean Star - Sao Hàn

Bệnh viện thẩm mỹ Korean Star - Sao Hàn

Thận trọng khi lựa chọn cơ sở làm đẹp

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật - cho biết, theo quy định của pháp luật, thẩm mỹ viện "chui" can thiệp dao kéo trái phép, tùy mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 9 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì thẩm mỹ viện "chui" hoạt động trái phép, có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng, đồng thời có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 đến 24 tháng.

Nếu thẩm mỹ viện "chui" làm chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Trường hợp người trực tiếp thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ làm chết người, tùy tính chất vụ việc, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều trên. Mức xử phạt nhẹ nhất từ 1-5 năm tù, nặng nhất 15 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, khi lựa chọn cơ sở làm đẹp, đơn vị nhỏ hay lớn không quan trọng, mà phụ thuộc 3 yếu tố: Chất lượng y, bác sĩ; kỹ thuật viên phải đạt yêu cầu; công nghệ máy móc phù hợp tình trạng của khách hàng và chất lượng các loại mỹ phẩm dùng trong quá trình điều trị và sau điều trị.

Liên quan vấn đề này, theo chuyên gia, phẫu thuật thẩm mỹ ở các vùng, đặc biệt ở bụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng, nhất là thủ thuật hút mỡ, tạo hình thành bụng.

Thủ thuật này cũng có thể đối mặt những biến chứng như: Mỡ đi vào mạch máu có nguy cơ gây chết người; thuyên tắc mạch phổi; đặc biệt nếu không khai thác tốt tiền sử của bệnh nhân, nhiều khi còn đang trong lúc gây mê, nhiều bệnh nhân đã có thể tử vong.

Theo đó, tất cả loại phẫu thuật đều có nguy cơ, biến chứng khác nhau. Vì vậy, các bác sĩ thường phải thăm khám trước khi làm thủ thuật một cách rất tỉ mỉ, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Nhiều ca tai biến có thể do người làm thủ thuật chưa nắm vững hệ thống mạch máu nuôi dưỡng vùng da đó; vùng da cắt đi nhưng vẫn phải bảo tồn vùng da cũ, những mạch máu phụ để nó có thể thay thế những mạch máu đã bị cắt bỏ đi. Các khâu như: Hệ thống máy móc, hệ thống phòng mổ, cách xử trí của bác sĩ khi xảy ra biến chứng, làm sao để cấp cứu, hồi sức tốt cho bệnh nhân… cũng là yếu tố ảnh hưởng tính an toàn của phẫu thuật thẩm mỹ.

Các bác sĩ khuyến cáo, trước khi đi làm đẹp, người dân cần tìm hiểu rõ về cơ sở, bác sĩ đã được cấp phép thực hiện dịch vụ đó hay chưa; trang thiết bị có tốt, đảm bảo hay không… để giảm thiểu biến chứng không mong muốn....

Đau lòng các vụ tử vong sau phẫu thuật thẩm mỹ

Tháng 3/2022, vụ việc chị P.T.D.H. (22 tuổi, quê Long An, tạm trú tại Hà Nội) tử vong sau 2 tháng hôn mê vì phẫu thuật thẩm mỹ gây xôn xao dư luận. Người thân nạn nhân cho hay, giữa tháng 1/2022, chị P.T.D.H. đến cơ sở thẩm mỹ được bạn giới thiệu ở quận Hoàng Mai, Hà Nội để nâng mũi. Một ngày sau, gia đình nạn nhân nhận được thông tin của Bệnh viện (BV) Bạch Mai thông báo về tình trạng nguy kịch của chị.

Gia đình sau đó đã đưa chị H. về Bệnh viện Long An tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, sau 2 tháng hôn mê, khoảng 23h ngày 16/3/2022 chị H. đã tử vong.

Ngày 6/12/2022, Sở Y tế TP HCM ghi nhận trường hợp tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center (quận Phú Nhuận). Nạn nhân là N.T.P. (25 tuổi, ngụ quận 10), đến trung tâm thẩm mỹ trên để đốt mỡ 2 cánh tay và ngực trái.

Trong quá trình chuẩn bị phẫu thuật cho P., bác sĩ tiêm lần lượt các thuốc gây tê, gây mê, giảm đau và an thần gồm midazolam, fentanyl, lidocaine.

Sau đó, nạn nhân tím tái, ngưng hô hấp tuần hoàn, được xử trí ép tim ngoài lồng ngực, chuyển đến Bệnh viện Sài Gòn ITO Phú Nhuận cấp cứu, tiếp đó được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong quá trình chuyển viện, bệnh nhân có lúc ngưng tim, ngưng thở và tử vong 3 ngày sau nhập viện.

Nguyên nhân tử vong được xác định sốc phản vệ, nghi do thuốc gây mê, gây tê, tổn thương não vì thiếu oxy não và biến chứng hôn mê, suy hô hấp tuần hoàn.

Ngọc Tuấn

BẢN DESKTOP