Y học và đời sống

Loãng xương, thoái hóa khớp không còn là ‘bệnh của người già’

Bệnh loãng xương và thoái hóa khớp ngày càng trẻ hóa, gây ra các tổn thương về xương khớp khó phục hồi.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Phạm Chí Lăng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện CIH TP HCM, hiện nay các bệnh lý về xương và khớp không còn là vấn đề của riêng người già mà xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Phụ nữ thường bị loãng xương sớm hơn nam giới, nhất là từ tuổi 50 trở lên. Bác sĩ Lăng từng điều trị cho nhiều bệnh nhân 20-30 tuổi đã bị loãng xương, những người bị thừa cân còn mắc thêm các bệnh về khớp gối như viêm khớp, thoái hóa khớp sớm…

Ảnh minh họa: Menshealth.

Bệnh nhân bị loãng xương có mật độ xương thấp, xương giòn nên khả năng đàn hồi kém, khi bị tai nạn rất dễ dẫn đến gãy xương khó lành. Bệnh thoái hóa khớp cũng gây ra các tổn thương khó hồi phục, để lại nhiều di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. Triệu chứng điển hình của bệnh thoái hóa khớp là đau khớp, cứng khớp, sưng tấy, các cơ bắp yếu dần, khó vận động, khớp biến dạng hoặc phát ra tiếng kêu khi cử động.

Bác sĩ Lăng khuyên mọi người nên chủ động ngăn ngừa các bệnh xương khớp, hạn chế nguy cơ loãng xương bằng chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Cụ thể mỗi ngày nên uống một ly sữa kèm theo các thực phẩm ít calo như rau xanh và các loại củ quả để tăng hàm lượng canxi vừa tốt cho xương vừa ngăn ngừa tình trạng thừa cân ảnh hưởng đến sức chịu đựng của xương khớp.

Vận động thể chất cũng cần thiết để giữ cho xương khớp khỏe mạnh. Tuy nhiên, bác sĩ Lăng khuyến cáo bệnh nhân và người cao tuổi nên tránh vận động quá mạnh. Thay vào đó hãy tham gia các hoạt động thể thao phù hợp với thể trạng và độ tuổi như đi bộ, đạp xe hoặc tập thể dục dưỡng sinh. Trong quá trình làm việc và sinh hoạt hàng ngày phải tránh những tư thế có hại cho xương khớp và cột sống. Thói uống bia, rượu và hút thuốc lá cũng gây hại cho xương khớp nên cần tránh.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người nếu thấy có bất kỳ triệu chứng gì của bệnh xương khớp từ nhẹ đến nặng, chẳng hạn như như ê ẩm các khớp khi vận động hoặc sau khi ngủ dậy, ngồi quá lâu, nghe thấy âm thanh lạ phát ra từ các khớp khi vận động nhưng lại không có hiện tượng đau nhức… nên đi khám chuyên khoa ngay. Bởi đó có thể là những dấu hiệu ban đầu của các bệnh về xương và khớp.

Bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị bệnh xương khớp cần phải có liệu trình cụ thể và chi tiết do bác sĩ chỉ định, không nên tự ý mua thuốc về dùng. Thông thường, các loại thuốc giảm đau, giảm sưng có tác dụng phụ là gây đau dạ dày nếu uống trong thời gian dài. Bác sĩ khuyên bệnh nhân nếu có hiện tượng đau dạ dày phải báo ngay cho bác sĩ điều trị để thay đổi phương pháp điều trị phù hợp hơn.

Thi Thi

BẢN DESKTOP