Y học và đời sống

Loạn thần, ảo giác sau khi ăn nấm mọc trong vườn nhà

  • Tác giả : Giang Thu
Người dân không nên ăn các loại nấm mọc dại nếu không hiểu về nó. Độc tố trong nấm có thể gây ra ngộ độc hay thậm chí là đe dọa sự sống của con người.

Mới đây, Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực, Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba đã tiếp nhận nam thanh niên 25 tuổi nhập viện trong tình trạng loạn thần, ảo giác, kêu đau bụng, rên la vật vã, nôn và buồn nôn.

Khai thác nhanh từ phía gia đình cho biết, bệnh nhân không dùng các chất kích thích. Tuy nhiên, trước đó khoảng 1 giờ, bệnh nhân có luộc 1 loại nấm hái trong vườn nhà và ăn một mình. Sau khi ăn khoảng 1 giờ thì xuất hiện các triệu chứng kể trên.

Nấm lạ hái sau vườn nhà. Ảnh TTYT Thanh Ba

Nấm lạ hái sau vườn nhà. Ảnh TTYT Thanh Ba

Các bác sĩ TTYT huyện Thanh Ba nhanh chóng xác định bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nhầm nấm độc. Bệnh nhân được kiểm soát các dấu hiệu sinh tồn, rửa dạ dày, giải độc không đặc hiệu bằng bơm than hoạt tính vào dạ dày, nhuận tràng, truyền dịch thải độc bằng bài niệu cưỡng bức, chống loạn thần.

Sau hơn 1 giờ điều trị, ý thức bệnh nhân tỉnh táo trở lại. Các dấu hiệu lâm sàng ổn định, các xét nghiệm trong giới hạn bình thường. Hiện bệnh nhân đã ổn định, dự kiến xuất viện trong nay mai.

Ngộ độc do ăn nhầm nấm độc là một tình huống ít gặp trên lâm sàng. Trong số khoảng 10.000 loài nấm trên thế giới, ước tính có khoảng 50 - 100 loài có độc. Nấm độc phần lớn được xác định theo kinh nghiệm. Trong hầu hết các trường hợp, việc xác định nấm có độc hay không là khá khó khăn nếu không có kinh nghiệm.

Trường hợp bệnh nhân trên đã rất may mắn khi được gia đình phát hiện sớm, đưa đến bệnh viện nhanh chóng và được cấp cứu kịp thời. Điều may mắn thứ 2 là loại nấm bệnh nhân ăn thuộc Nhóm nấm độc có triệu chứng cấp tính xuất hiện dưới 6 giờ sau ăn, ít nguy hiểm hơn đối với nhóm nấm gây triệu chứng muộn (trên 6 giờ sau khi ăn) có độc tính nguy hiểm và có khả năng gây suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên ăn thử bất cứ loại nấm nào mọc hoang dại mà chưa hiểu biết rõ về nó. Hậu quả có thể rất nặng nề, thậm chí tử vong nếu ăn phải loại nấm có độc tính cao. Bởi hầu hết không có chất giải độc đặc hiệu cũng như rất khó khăn trong việc xác định chính xác loại độc tố trong cây nấm.

Cách xử trí khi bị ngộ độc

Sau khi ăn nấm nếu thấy khó chịu, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, đau bụng, nhìn không rõ phải báo ngay với người nhà và lập tức đến cơ sở y tế gần nhất (nếu tự đi được).

Khi phát hiện nghi bị ngộ độc do ăn nấm độc phải bình tĩnh, nhanh chóng tìm mọi cách làm cho bệnh nhân nôn ra hết thức ăn như: móc họng, lấy lông gà rửa sạch ngoáy họng, cho uống thật nhiều nước đến khi nôn ra nước trong, sau đó đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị.

Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế gần nhất được theo dõi.

Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm và gửi đi xét nghiệm.

Giang Thu

BẢN DESKTOP