Dữ liệu y khoa

Loạn dưỡng cơ - bệnh di truyền liên kết với giới tính lặn

  • Tác giả : BS Bùi Thu Phương
(khoahocdoisong.vn) - Loạn dưỡng cơ Duchenne là một bệnh di truyền liên kết với giới tính lặn, có tần số cao trong các bệnh di truyền của nhóm bệnh loạn dưỡng cơ, tỷ lệ là 10 - 33/10.000 trẻ sơ sinh trai sinh ra sống. Bệnh lần đầu tiên được mô tả năm 1851 bởi bác sĩ người Anh Edward Meryon, trong đó, 3 gia đình có 8 trẻ trai xuất hiện các triệu chứng bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne.

Có hai bệnh loạn dưỡng cơ với cơ chế bệnh sinh giống nhau nhưng triệu chứng bệnh khác nhau trong đó bệnh loạn dưỡng cơ Becker nhẹ hơn bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne. Gene Dystrophin nằm trên cánh ngắn của nhiễm sắc thể X. Gene bệnh tồn tại qua nhiều thế hệ gia đình, mẹ là người mang gene và truyền cho con trai theo quy luật di truyền Mendel. Gene Dystrophin có các đột biến mất đoạn, đột biến điểm, chuyển đoạn và mất đoạn nhỏ trong đó mất đoạn là đột biến hay gặp nhất chiếm đến 65%. Mỗi thớ cơ được bao quanh bởi một nhóm các protein, khi các protein này bị thiếu do gene Dystrophin bị đột biến thì bệnh loạn dưỡng cơ xảy ra.

Trẻ khởi bệnh từ 3 - 5 tuổi, trẻ chậm biết đi hoặc nếu biết đi rồi thì hay ngã, tình trạng yếu cơ từ từ tăng dần, rồi trẻ đi lại khó khăn nhất là khi phải leo cầu thang. Dáng đi không bình thường, dễ ngã về hướng chân nâng lên, khi đứng ở tư thế dạng chân cho chắc chắn. Lưng ưỡn, bụng phình ra phía trước, xương bả vai bạnh ra. Dần về sau, trẻ bị co gân làm cho bệnh nhân đi nhón gót chân. Trẻ có dấu hiệu Gower dương tính: Khi bệnh nhân ngồi xuống đứng lên hoặc đang nằm ngồi dậy rất khó khăn phải xoay người sang một bên, áp đầu gối vào hai tay chống nạng đỡ lấy thân để giữ tư thế như quỳ, rồi tỳ hai tay lên cẳng chân, đầu gối tựa vào đùi đẩy cho thân thẳng đứng dậy, làm như vậy trẻ mới đứng dậy được. Các triệu chứng tăng nặng đến khi trẻ được 8 - 10 tuổi, mất khả năng đi lại vào lúc 13 - 15 tuổi, khoảng 18 - 20 tuổi, trẻ có thể tử vong do suy kiệt, suy tim, nhiễm khuẩn.

Các xét nghiệm cận lâm sàng biến đổi như men cơ tăng cao, điện cơ đồ và sinh thiết cơ thấy tổn thương các sợi cơ. Giải phẫu bệnh ở giai đoạn sớm thường không đặc hiệu. Phân tích gene giúp chẩn đoán xác định bệnh, chẩn đoán trước sinh, liệu pháp điều trị thay thế gene là cơ sở để chẩn đoán trước sinh và tư vấn di truyền.

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các thử nghiệm đang được tiến hành bao gồm: Hạn chế tiến triển (phục hồi chức năng, corticoid, vitamin), điều trị hỗ trợ, thay thế gene (gene therapy).

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra 4 biện pháp để phòng bệnh di truyền: Phát hiện người lành mang gene bệnh, tư vấn di truyền, chẩn đoán trước sinh, giáo dục sức khoẻ. Đối với bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne, cũng thực hiện 4 biện pháp phòng bệnh để loại bỏ gene bệnh, giảm tỷ lệ sinh con bị bệnh này.

Phát hiện người lành mang gene bệnh bằng các phương pháp gồm: Xét nghiệm men cơ CK huyết thanh trong máu, xác định đột biến gene bằng hương pháp di truyền phân tử, phân tích gia hệ để xem ai là dị hợp tử bắt buộc. Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm nhất định, chúng ta sẽ phối hợp để chẩn đoán dị hợp tử, nhưng phương pháp hay dùng và đơn giản hơn vẫn là xét nghiệm CK.

Tư vấn di truyền: Là một việc làm quan trọng trong phòng bệnh. Bệnh nhân và các thành viên trong gia đình sẽ được quản lý ở phòng tư vấn di truyền.

Chẩn đoán trước sinh: Với những người đã được phát hiện là dị hợp tử thì khi có thai nhất định phải được chỉ định chẩn đoán trước sinh, thường là sinh thiết tua rau. Nếu là con gái thì để đẻ bình thường, nếu là con trai thì phải xác định xem thai có bị loạn dưỡng cơ Duchenne hay không bằng phương pháp chọc ối, lấy máu thai nhi qua siêu âm để định lượng CK. Ngày nay, phương pháp tốt nhất là PCR tìm gen đột biến từ mẫu sinh thiết tua rau cho kết quả nhanh nhất, để kịp thời thông báo cho gia đình bệnh nhân.

BS Bùi Thu Phương (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

BS Bùi Thu Phương

BẢN DESKTOP