Khám phá

Loài dơi gây nhiễu sóng âm thanh lẫn nhau để tranh giành thức ăn?

Các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện, loài dơi gây nhiễu sóng âm thanh lẫn nhau làm nhiễu quá trình săn mồi của những con dơi khác, tạo lợi thế cho mình.

Theo How Stuff Works, tất cả sinh vật sống trong tự nhiên đều cố gắng đạt được lợi thế khi tìm kiếm bữa ăn tiếp theo. Một số động vật sử dụng kích thước để mang đến lợi thế, trong khi một số khác dựa vào tốc độ hoặc khả năng tạo ra âm thanh đe dọa. Các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng ngay cả những con dơi khá yên lặng cũng có những thủ thuật để ngăn chặn những con dơi khác trong quá trình tìm mồi.

Dơi thường hoạt động và săn bắt vào ban đêm. Chúng ăn những con mồi nhỏ và yên tĩnh, như sâu bướm và những côn trùng khác. Mặc dù cụm từ “mù như một con dơi” được sử dụng rộng rãi nhưng trên thực tế dơi không hề bị mù, chúng chỉ sử dụng phương tiện đáng tin cậy hơn thị giác nhiều lần để tìm những bữa ăn tối nhỏ xíu này.

Khi tìm thức ăn, con dơi phát ra một loạt các âm thanh có cường độ sóng âm cao vào trong bóng tối và nhận lại các phản xạ khi chạm vào vật. Khi một con dơi nghe thấy tiếng vang, nó biết một vật gần đó và di chuyển đến gần vật, gửi ra nhiều sóng thăm dò hơn.

Khi cường độ sóng âm phản hồi gia tăng, dơi biết rằng nó đang ở rất gần con mồi và tiếp tục phát ra sóng âm cho đến khi bay đến chạm mục tiêu và bắt con mồi. Quá trình tìm kiếm vị trí của mục tiêu bằng cách nghe tiếng vọng của sóng âm được gọi là “echolocationa” – phương pháp định vị bằng tiếng vang.

Năm 2014, nhà khoa học William Conner của Trường Đại học Wake Forest và cộng sự Aaron Corcoran thuộc trường Đại học Wake Forest đã sử dụng các hệ thống âm thanh và video để quan sát hành vi của các con dơi khi chúng sử dụng sóng âm để kiếm ăn. Họ nhận thấy rằng những con dơi cũng có thể sử dụng sóng âm của chúng cho các mục đích thù địch và cạnh tranh.

Họ quan sát những con dơi Mexico khi chúng săn bướm hổ, một món ăn ưa thích của loài này. Họ phát hiện ra rằng những con dơi đã phát ra một âm thanh cụ thể để can thiệp vào kết quả của việc săn mồi bằng sóng âm của các con khác. Các nhà khoa học gọi đây là quá trình quét nhiễu. Cuộc nghiên cứu kết luận rằng dơi phát ra âm thanh này một cách cố ý để làm nhiễu quá trình săn mồi của những con dơi khác và tạo ra lợi thế cho riêng mình.

Khi các nhà nghiên cứu ghi lại âm thanh gây nhiễu và phát ra khi những con dơi khác tìm mồi, họ nhận thấy nó có ảnh hưởng đến chúng. Những âm thanh này làm cho 86% những con dơi nghe thấy bỏ lỡ mục tiêu của mình.

Các nhà khoa học đã thử nghiệm các âm thanh khác như tiếng ồn trắng – Tiếng ồn trắng là một dạng tiếng ồn được tạo ra bằng cách kết hợp nhiều loại âm thanh với tần số khác biệt lại với nhau. Tưởng tượng rằng bạn có thể kết hợp lại tất cả các âm thanh mà con người có thể nghe lại với nhau, khi ấy bạn sẽ thu được tiếng ồn trắng – nhưng chúng hầu như không gây ảnh hưởng đến những con dơi.

Trong thế giới tự nhiên, sóng âm và định vị bằng sóng âm không chỉ dành cho loài dơi – các động vật có vú như cá heo và cá voi khác cũng sử dụng nó để tìm đường đi của chúng. Và con người cũng đã áp dụng công nghệ bắt chước quá trình này, ví dụ các tàu thường xuyên sử dụng sóng âm để giúp họ điều hướng trong vùng nước tối và để khám phá những gì có bên dưới mặt nước. Sóng âm có thể giúp xác định sự hiện diện của một con tàu khác, một trở ngại nguy hiểm hay các con vật dưới nước.

Trong chiến tranh, sóng âm có thể giúp phát hiện ra tàu ngầm của địch hoặc gây nhiễu cho các con tàu khác.

MT (Tổng hợp)

BẢN DESKTOP