Khám phá

Loại độc tố trong thực phẩm

Sử dụng lò vi sóng để loại bỏ các chất kháng sinh, chế biến cùng những nguyên liệu có tính oxy hóa cao để xử lý chất độc hay sử dụng các mẹo như chần rau qua nước sôi để giảm độc…

Dùng lò vi sóng để loại bỏ độc tố trong thực phẩm

Lò vi sóng loại bỏ chất độc

PGS.TS Phạm Văn Nho, Trung tâm Vật lý Ứng dụng, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, thịt lợn nhiễm chất tăng trọng, kháng sinh là vấn đề nan giải trong phát triển chăn nuôi. Với người tiêu dùng, làm thế nào để bảo vệ sức khoẻ luôn là mối quan tâm lớn. Để xử lý thành phần thuốc kháng sinh, chất tăng trọng trong thịt lợn, cách thải độc tốt nhất là chế biến trong lò vi sóng.

Theo ông, các tia bức xạ trong lò vi sóng sẽ làm các chất độc này bị phân hủy hết. Lý do là lò vi sóng dùng sóng điện từ cực ngắn, làm nước trong thực phẩm chuyển động nhanh, mạnh, sinh nhiệt và làm chín thức ăn.

Các tia bức xạ trong lò sẽ làm cho thành phần thuốc kháng sinh, chất tăng trọng nếu có trong thịt lợn bị phân hủy mà các thành phần chất bổ dưỡng khác có trong thịt vẫn được giữ lại.

PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết thêm, với tần số thường là 2.45GHZ, sóng vi ba dễ bị hấp thụ bởi nước, chất béo và đường. Các sóng bên trong lò sẽ được phát ở đúng tần số để có thể đi sâu vào trong thức ăn và truyền hầu hết năng lượng cho lượng nước bên trong thực phẩm.

Sóng vi ba làm nóng đồ ăn bằng cách xoay các phân tử nước qua lại. Trong quá trình xoay qua xoay lại, các phân tử nước sẽ cọ xát vào nhau tạo ra ma sát, là nguồn sản sinh nhiệt năng. Đối với thực phẩm là thịt lợn, chất kháng sinh hay chất tăng trọng cũng sẽ bị phân hủy bởi sự chuyển động này của sóng vi ba.

Gia vị giúp thực phẩm “sạch” hơn

PGS.TS Phạm Văn Nho chia sẻ, nhiều loại gia vị có chứa hàm lượng cao các chất dinh dưỡng được biết đến như chất chống oxy hóa, giúp chống lại các tác động của các gốc tự do gây tổn hại cho tế bào. Các chất này hỗ trợ bảo vệ sức khỏe con người và phòng chống nhiều căn bệnh do gốc tự do gây ra.

Tiêu biểu và dễ sử dụng cùng với các món ăn khác là gừng và nghệ. Do có tính oxy hóa mạnh nên khi được nấu chung với thịt lợn, gừng, nghệ có thể xử lý các chất độc hại như tồn dư kháng sinh hay các loại chất độc khác.

Ông thường áp dụng cách này bằng chế biến các món ăn phù hợp để kết hợp hai loại gia vị này, giúp món ăn ngon hơn và có nhiều dưỡng chất hơn.

Các loại gia vị không chỉ đem lại cảm giác ngon miệng mà còn có tác dụng thải độc cho món ăn. PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, ví dụ như rau mùi có khả năng giúp khử độc thủy ngân cho cơ thể. Thứ kim loại nặng này có thể hiện diện với một lượng dao động từ rất nhỏ đến tương đối trong các loại hải sản, rau muống.

Hay những gia vị cay nóng như ớt kích thích tiêu hóa và tăng nhu động ruột, giúp tăng hấp thu dinh dưỡng và loại bỏ chất thừa. Vì thế, nó được sử dụng khá phổ biến trong các chế độ ăn kiêng, vừa thải độc vừa giảm cân.

Tỏi là loại gia vị hắc, nồng nhưng rất giàu lưu huỳnh, giúp đào thải chất độc ra khỏi cơ thể sau khi đã chuyển hóa. Tính kháng sinh tự nhiên khá cao của tỏi cũng giúp tăng sức đề kháng và giữ ấm cho cơ thể…

Rau sạch nhờ muối natri cacbonat

Với rau quả, làm thế nào để xử lý hết độc hại. PGS.TS Phạm Văn Nho cho rằng có nhiều cách để sơ chế rau trước khi nấu, và cách đơn giản nhất là sử dụng chất natri cacbonat hòa vào nước làm dung dịch tẩy rửa. Natri cacbonat, còn gọi là sođa, là một loại muối cacbonat có công thức hóa học là Na2CO3. Natri cacbonat là một muối bền trong tự nhiên, thường có trong nước khoáng, nước biển và muối mỏ trong lòng đất.

Một số rất ít tồn tại ở dạng tinh thể có lẫn canxi cacbonat. Quá trình hình thành trong tự nhiên chủ yếu do sự thay đổi địa hình Trái Đất làm một số hồ gần biển hoặc vịnh bị khép kín, dần dần lượng muối tích tụ lại và bị chôn vùi vào lòng đất tạo thành mỏ muối. Vì có trữ lượng lớn và quá trình khai thác, điều chế đơn giản nên giá bán natri cacbonat trên thị trường khá rẻ, khoảng hơn chục ngàn đồng/kg.

Bảo Khánh

BẢN DESKTOP