Khoa học & Công nghệ

Loài cây tưởng vô dụng nào ngờ mệnh danh "vương giả thực vật"

  • Tác giả : Bích Hậu (Theo Sohu)
Hoa địa lôi, loài cây từng tràn ngập núi rừng giờ đây gần như biến mất. Bí mật nào ẩn sau sự suy tàn của một dược liệu quý trong y học cổ truyền?

Hoa địa lôi hay còn gọi là hoa đêm đến, hoa cơm tối là một loài thực vật thân thảo sống lâu năm với hình dáng hoa tròn trịa, kết hạt độc đáo như một quả địa lôi. Hoa của nó thường mọc thành chùm ở đầu cành, hình dạng giống như những chiếc loa nhỏ, với màu sắc rất rực rỡ như tím đỏ, vàng, trắng hoặc nhiều màu phối hợp. Hoa nở vào buổi tối và tỏa hương thơm dịu, vì vậy ở một số vùng miền Bắc Trung Quốc, người ta gọi nó là "Dạ lai hương" - "Tạm dịch là hoa đêm đến".

Do thời gian hoa nở khá cố định, thường vào khoảng 4-5 giờ chiều, khi mặt trời bắt đầu lặn và hương thơm ngày càng nồng, giống như một lời nhắc nhở cho các bà nội trợ rằng "đã đến giờ làm bữa tối", vì vậy tên gọi "hoa cơm tối" cũng rất dễ hiểu.

Hoa địa lôi.

Hoa địa lôi.

Theo truyền thuyết ở Trung Quốc, ban đầu loài hoa này không tồn tại. Một ngày, khi mặt trời sắp lặn, một vị thần tình cờ đi qua trần gian và đánh rơi một hộp phấn má hồng, từ đó loài hoa địa lôi với hương thơm ngọt ngào đã xuất hiện, phủ đầy trên những ngọn đồi và rừng núi, trở thành một loài hoa được phụ nữ yêu thích. Vì vào thời chưa có mỹ phẩm, phụ nữ xinh đẹp sẽ nghiền nát hoa địa lôi, dùng để nhuộm móng tay hoặc tô lên môi. Trong "Hồng Lâu Mộng", trong chương 44, nhân vật Giả Bảo Ngọc đã dùng hộp sứ để đựng bột phấn làm từ hoa địa lôi nghiền nát trộn với các nguyên liệu cao cấp để làm thành một loại bột, dùng để thoa lên mặt. Sau khi sử dụng, làn da trở nên mềm mịn, tươi sáng, có thể sánh ngang với các mỹ phẩm hiện đại.

Không chỉ là một loài hoa đẹp để ngắm, hoa địa lôi còn có giá trị y học đáng quý, xứng đáng được coi là "Vương giả" trong thế giới thực vật. Hoa, lá, rễ và hạt của loài cây này đều có thể dùng làm thuốc, và giá trị dược lý của nó đã được ghi chép trong nhiều sách y học cổ truyền.

Giá trị y học của hoa địa lôi rất lớn.

Giá trị y học của hoa địa lôi rất lớn.

Rễ của hoa địa lôi có vị ngọt và hơi lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giải độc, hoạt huyết. Nó có thể điều trị các bệnh như viêm tiết niệu, sưng khớp, mụn nhọt, đau bụng, sưng tấy và vết thương do va đập. Hạt và lá của loài cây này cũng có tác dụng làm đẹp, thanh nhiệt và giải độc. Người ta sẽ nghiền hạt đã chín, tách bỏ vỏ ngoài và ép thành bột, dùng để thoa lên mặt để làm sáng và mịn da. Khi tay hoặc chân bị phỏng, người ta có thể trộn bột hoa địa lôi với nước rồi bôi lên vết thương hoặc nếu bị mụn nhọt hoặc vết thương ngoài da, dùng lá tươi dã nát rồi đắp lên vết thương để làm lành nhanh chóng.

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, rễ của hoa địa lôi chứa các thành phần như protein, axit amin, axit hữu cơ, saponin, flavonoid và nhiều chất khác. Hoa của loài cây này chứa dầu bay hơi, trong khi hạt có nhiều tinh bột, chất phenol, flavonoid, terpenoid, lactone, coumarin và các chất béo. Tuy nhiên, rễ và hạt của hoa địa lôi đều có chứa độc tố, đặc biệt là thành phần hợp chất fenugreek, có thể gây ngứa miệng, giảm thính lực, thị lực và tiêu chảy khi ăn phải, do đó cần hết sức cẩn thận khi sử dụng.

Trước đây, loài cây này mọc đầy rẫy trên các vách núi, cánh rừng ở vùng cao nhờ sức sống mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo thời gian, hoa địa lôi ngày càng trở nên hiếm hoi, khó tìm thấy trong tự nhiên.

Theo các chuyên gia, có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của hoa địa lôi. Thứ nhất, môi trường sống của chúng bị tàn phá nghiêm trọng do hoạt động của con người như phá rừng, khai thác đất đai, làm thay đổi hệ sinh thái. Thứ hai, loài cây này bị khai thác quá mức vì những giá trị y học mà nó mang lại, khiến số lượng ngày càng cạn kiệt.

Được biết đến như một vị thuốc quý trong y học cổ truyền, hoa địa lôi có công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, giảm đau và đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị các bệnh viêm nhiễm, đau nhức hay bệnh về da. Chính hiệu quả vượt trội này đã khiến nhu cầu sử dụng hoa địa lôi ngày càng tăng, càng làm trầm trọng hơn tình trạng khan hiếm của nó.

Để cứu loài cây này khỏi nguy cơ tuyệt chủng, các chuyên gia khuyến nghị cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đầu tiên là khôi phục môi trường sinh thái, như trồng cây gây rừng và bảo vệ các khu vực tự nhiên nơi hoa địa lôi sinh sống. Tiếp đến là nghiên cứu và phát triển phương pháp nhân giống, trồng trọt loài cây này trong môi trường nhân tạo để giảm bớt áp lực khai thác từ tự nhiên.

Cuối cùng, việc nâng cao nhận thức cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng. Chỉ khi người dân hiểu rõ giá trị của hoa địa lôi và tự giác bảo vệ, việc khai thác bừa bãi mới có thể được hạn chế.

Hoa địa lôi không chỉ là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền, mà còn là một phần quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên, góp phần duy trì sự cân bằng môi trường. Việc bảo tồn loài cây này không chỉ vì giá trị kinh tế hay y học, mà còn vì trách nhiệm với thiên nhiên và các thế hệ mai sau.

Từ một loài cây từng "thống trị" núi rừng đến giờ đây hiếm như "báu vật", câu chuyện của hoa địa lôi chính là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Bích Hậu (Theo Sohu)

BẢN DESKTOP