Khoa học & Công nghệ

Loài cây ma cà rồng cực đáng sợ, những cây khác ghét vô cùng

  • Tác giả : Bích Hậu (Theo Sohu)
Cây ma cà rồng thuộc nhóm cây ký sinh hoàn toàn (holoparasitic), nghĩa là chúng không tự quang hợp mà sống nhờ vào hệ thống "dây hút" dưới mặt đất để lấy dưỡng chất từ nhiều loài cây chủ khác nhau.

Langsdorffia, hay còn được biết đến với biệt danh "cây ma cà rồng", là một loài thực vật độc đáo và hiếm gặp đến từ rừng rậm và thảo nguyên ở Trung và Nam Mỹ, Madagascar và Papua New Guinea. Khác với những loài thực vật thông thường, Langsdorffia nổi bật bởi màu sắc đỏ rực, khiến nhiều người liên tưởng đến những sinh vật kỳ bí dưới đáy đại dương hơn là các loài thực vật sống giữa đất liền.

Sở dĩ bị gọi là "ma cà rồng" vì cây này sinh trưởng và phát triển nhờ kỹ năng hút trộm dinh dưỡng từ rễ của các cây khác, tạo nên câu chuyện sinh tồn vừa lạ lẫm vừa gây tò mò cho giới khoa học lẫn người yêu thiên nhiên.

Cây ma cà rồng Langsdorffia. (Ảnh: Fábio Júnio Santos Fonseca)

Cây ma cà rồng Langsdorffia. (Ảnh: Fábio Júnio Santos Fonseca)

Theo tìm hiểu, Langsdorffia thuộc nhóm cây ký sinh hoàn toàn (holoparasitic), nghĩa là chúng không tự quang hợp mà sống nhờ vào hệ thống "dây hút" dưới mặt đất để lấy dưỡng chất từ nhiều loài cây chủ khác nhau. Kết quả là cây Langsdorffia không có diệp lục – yếu tố thường thấy ở cây xanh để quang hợp, thay vào đó là màu đỏ rực, trông như có thể phát sáng trong rừng rậm ẩm ướt.

Dù màu sắc nổi bật và hình dáng độc đáo nhưng rất ít người có cơ hội chiêm ngưỡng loài cây này vì chúng chỉ xuất hiện ở những khu vực hẻo lánh và đặc biệt chỉ nở hoa vào mùa khô. Tiến sĩ Chris Thorogood từ Đại học Oxford đã nêu ra rằng những loài ký sinh như Langsdorffia rất đáng để nghiên cứu và bảo tồn.

Vì không tự hút chất dinh dưỡng từ đất mà hút trộm từ các cây khác, Langsdorffia bị gọi là cây ma cà rồng. (Ảnh: Thorogood and Santos)

Vì không tự hút chất dinh dưỡng từ đất mà hút trộm từ các cây khác, Langsdorffia bị gọi là cây ma cà rồng. (Ảnh: Thorogood and Santos)

Trong một bài viết trên tạp chí "Plants, People, Planet", Thorogood cùng đồng nghiệp Jean Carlos Santos đã nhấn mạnh: "Langsdorffia, giống như nhiều loài cây ký sinh khác, rất ít khi xuất hiện trong các khu vườn thực vật và thực sự cần được đầu tư nghiên cứu để hiểu thêm về vai trò sinh thái của chúng".

Langsdorffia cũng sở hữu một cách đặc biệt để thu hút chim và côn trùng đến thụ phấn. Vào mùa khô, cây tiết ra một lớp mật ngọt hấp dẫn. Điều thú vị là các cây trong loài Langsdorffia hypogea còn có sự phân biệt giữa cây đực và cây cái, mỗi loại cây lại có cách tiết mật riêng, cây đực tiết mật từ giữa các nụ hoa, còn cây cái tiết mật từ phần rìa hoa, tạo nên cảnh tượng thu hút không ít các loài sinh vật khác.

Mặc dù hiếm gặp, Langsdorffia đã trở thành một biểu tượng cho sự phong phú và đa dạng của thế giới thực vật, đặc biệt là nhóm thực vật ký sinh. Những cây "ma cà rồng" này tuy hút dưỡng chất từ cây khác nhưng không gây hại đến con người. Hiện nay, công tác bảo tồn đang được đẩy mạnh nhằm đảm bảo chúng có cơ hội sinh trưởng và duy trì sự đa dạng sinh học độc đáo. Việc bảo vệ rừng, nơi sinh sống của Langsdorffia trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, mở ra tiềm năng khám phá thêm nhiều câu chuyện kỳ lạ về thế giới thực vật chưa từng biết đến.

Bích Hậu (Theo Sohu)

BẢN DESKTOP