Khoa học & Công nghệ

Loại bỏ ngứa, hôi chân, nấm mốc từ giầy

Giầy là sản phẩm được sử dụng hằng ngày. Tuy nhiên, không ít người sau khi đi giầy thì gặp hiện tượng ngứa, hôi chân mà lý do lại bắt nguồn từ chính việc không được vệ sinh đúng, sạch.

Nhiều người không chú ý đến việc vệ sinh khiến giầy bị hôi mốc, kèm với đó là bụi bẩn từ bên ngoài bám vào biến giày trở thành ổ vi khuẩn.

“Nhốt” mồ hôi, nấm mốc, vi khuẩn trong giầy

BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ Bệnh viện 105 cho biết, không ít người sau khi đi giầy thì bị chân bị bốc mùi khó chịu, ngứa… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bị hôi chân, ngứa chân. Bên cạnh một số nguyên nhân do bệnh lý thì chính việc sử dụng giầy dép không đúng cách là nguyên nhân gây ra các bệnh ở bàn chân. Việc đi giầy nhiều, thường xuyên sẽ làm cho chân không được thông thoáng và mồ hôi tiết ra sẽ bị giữ lại trong giầy làm ổ phát triển của vi khuẩn gây mùi.

Điều đáng nói là rất ít người chú ý đến việc vệ sinh khiến giầy bị hôi mốc, kèm với đó là bụi bẩn từ bên ngoài bám vào. Thậm chí vào những ngày ẩm ướt khi giầy không được phơi khô là điều kiện rất tốt cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển, sinh mùi hôi và làm cho giầy bị mốc meo.

Đặc biệt, giầy da là chất liệu dễ bị nấm mốc phát triển, bởi da thường là vật liệu không thoáng khí, khiến cho chân dễ bị đổ mồ hôi khi bị “nhốt” lâu trong giầy. Sự kết hợp của độ ẩm, nhiệt từ bàn chân và bóng tối bên trong giầy rất lý tưởng cho nấm mốc phát triển. Khi chúng ta xỏ chân vào những đôi giầy chứa cả ổ vi khuẩn, việc bị hôi, ngứa thậm chí bị nấm là điều rất dễ hiểu.

Vệ sinh không khó

Theo Hiệp hội Quốc tế các chuyên gia khảo sát và tư vấn nhà ở (InterNACHI), việc giữ cho đôi chân không bị bốc mùi, ngứa ngáy, bạn không nhất thiết phải thay giầy bằng xăng đan mà quan trọng là cần chú ý đến khâu vệ sinh giầy thường xuyên. Việc vệ sinh giầy không chỉ giúp ngăn ngừa mùi hôi, ngứa, khó chịu cho đôi chân mà còn là cách bảo vệ giầy của bạn khỏi nấm mốc.

Theo đó, việc vệ sinh nên làm ít nhất mỗi tuần một lần. Đầu tiên hãy dùng bàn chải bỏ bụi bẩn, nấm mốc phát triển trên bề mặt giầy. Nếu đôi giầy của bạn được làm bằng da lộn thì có thể yên tâm loại bỏ hầu hết nấm mốc chỉ bằng việc chải thật kỹ với bàn chải.

Đối với các loại giầy khác, bạn có thể pha hỗn hợp nước với cồn hoặc rượu trắng dùng để lau sạch những đôi giầy bằng vải mềm. Nếu giầy có thể giặt được thì bạn vẫn nên lau cồn để diệt các bào tử nấm trước khi đem giặt với nước và xà phòng, rồi phơi hoặc sấy khô.

Hãy nhớ rằng, nấm mốc sẽ dần dần ăn hỏng vật liệu mà nó bám vào và phát triển trên đó. Hơn nữa, nếu nấm mốc phát triển mà không được xử lý triệt để trong một thời gian dài thì có thể dẫn đến chất liệu da giầy bị mục nát, hư hỏng. Do đó, điều quan trọng là cần xử lý nấm mốc ngay khi bạn phát hiện sự có mặt của chúng trên những đôi giầy hay trong các ngóc ngách tủ giầy.

Theo InterNACHI

Muốn ngăn chặn sự xuất hiện và phát sinh nấm mốc trên giầy, bạn cần đảm bảo rằng đôi giầy phải được lau sạch sẽ và để khô triệt sau mỗi lần sử dụng trước khi đem cất vào tủ. Bạn cũng có thể xem xét mua gói hút ẩm hoặc dùng túi vôi bột, cà phê bột để đặt trong giầy khi không sử dụng.

Ngoài ra, trước khi xỏ chân vào giầy, bạn có thể đặt miếng giấy lót chuyên dành để hút ẩm và khử mùi cho giầy. Miếng giấy rất mỏng và nhẹ nên bạn vẫn rất thoải mái, cảm giác như không hề có nó. Hãy cho giấy vào thùng rác ngay sau mỗi lần sử dụng.

Cùng với việc vệ sinh giầy, bạn cũng cần thường xuyên vệ sinh tủ giầy, lau chùi sạch sẽ và thỉnh thoảng nên mở cánh tủ cho thông thoáng. Bạn cũng có thể đặt những gói hút ẩm lớn trong tủ giầy hoặc dùng vôi bột bọc trong các túi vải để trong tủ.

Ngoài ra, để bảo vệ bàn chân cũng như chính những đôi giầy, không chỉ vệ sinh giầy, bạn còn cần chú ý đảm bảo đôi chân của mình phải khô, sạch sẽ trước khi cho chân vào giầy. Tương tự với đối tất mà bạn dùng để đi cũng cần được đảm bảo sạch sẽ, chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.

Đức Anh

BẢN DESKTOP