Chuyển động

Lo ngại phế liệu tràn vào Việt Nam

  • Tác giả : Trần Hòa
(khoahocdoisong.vn) - Năm 2019, một số nước cắt giảm phần lớn danh mục phế liệu được phép nhập khẩu, khiến nguy cơ phế liệu tràn vào Việt Nam ngày càng lớn.

Hàng chục triệu tấn phế liệu vào nước ta

Bộ TN&MT, Bộ GTVN và Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2018, hoạt động nhập khẩu phế liệu vào nước ta diễn biến rất phức tạp. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sơ hở chính sách để nhập khẩu số lượng lớn phế liệu không đủ điều kiện, không đạt quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, các doanh nghiệp này sử dụng công nghệ tái chế lạc hậu, chủ yếu là phân loại, sơ chế, tái chế ra nguyên liệu bán thành phẩm. Sau đó doanh nghiệp bán lại phế liệu cho các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong các làng nghề, cụm công nghiệp tái chế, làm tăng nguy cơ ô nhiễm.  

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2018 Việt Nam nhập khẩu 9.254.300 tấn PL, tăng hơn 1.308.100 tấn so năm 2017 (7.946.200 tấn). Trước tình hình đó, Chính phủ đã ra nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ phế liệu nhập khẩu.

Trên 2000 công-ten-nơ phế liệu nhập vào Việt Nam mỗi tuần.

Trên 2000 công-ten-nơ phế liệu nhập vào Việt Nam mỗi tuần.

Chỉ thị số 27/CT-TTg (ngày 17-9-2018) của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, nêu rõ: không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu; áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát chặt chẽ đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu. Triển khai biện pháp kiểm soát, ngăn chặn từ xa khi hàng vẫn còn trên tàu, không cho phép dỡ xuống cảng đối với hàng không đủ điều kiện, kiểm soát các điều kiện về chứng từ trước khi lô hàng được phép hạ xuống.

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo đánh giá tình hình xuất, nhập khẩu phế liệu của hơn 250 doanh nghiệp, qua đó xác định 44 doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn gian lận về sửa chữa, làm giả hồ sơ, nhập vượt số lượng được cấp phép…

Phế liệu giấy nhập khẩu tại cảng Hải Phòng.

Phế liệu giấy nhập khẩu tại cảng Hải Phòng.

Phế liệu tồn đọng buộc phải tái xuất

Tổng cục Hải quan cho biết, đến cuối tháng 12/2018, còn 18.861 công-ten-nơ phế liệu đang lưu giữ tại các cảng trong cả nước. Ðối với 9.295 công-ten-nơ tồn đọng hơn 90 ngày, cơ quan hải quan tiếp tục thực hiện thủ tục thông báo tìm chủ hàng theo quy định và đã có hơn 3.000 công-ten-nơ quá hạn thông báo nhưng chưa có người đến nhận và được xác định là hàng hóa tồn đọng.

Ðối với các lô hàng tồn đọng, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan xử lý dứt điểm, kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã có điện khẩn số 09/GSQL ngày 17/2/2019, yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ kết quả kiểm tra, giám định của đơn vị giám định độc lập (được Bộ TN&MT chỉ định) xác định phế liệu nhập khẩu đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan theo quy định, không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng phế liệunhập khẩu của Sở TN&MT nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã xây dựng phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu xác định được số lượng hàng còn được phép nhập khẩu để chủ động trong kinh doanh và cơ quan hải quan có cơ sở để thực hiện theo dõi trừ lùi phế liệu nhập khẩu.

Theo đó, cơ quan hải quan, doanh nghiệp kinh doanh cảng và nhập khẩu phế liệu có thể quản lý hàng nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với phế liệu không đáp ứng điều kiện quy định.

Phế liệu nhựa tái chế tràn ngập ở các làng nghề.

Phế liệu nhựa tái chế tràn ngập ở các làng nghề.

Đứng thứ 2 nhập khẩu phế liệu

Nếu năm 2017, Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về nhập khẩu phế liệu nhựa (sau Trung Quốc, Hồng Công và Ma-lai-xi-a, thì đến năm 2018, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vào Trung Quốc và Hồng Công đã giảm hơn 90% so năm 2017, đồng nghĩa với việc Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách nhập phế liệu nhựa nhiều nhất thế giới, chỉ sau Ma-lai-xi-a.

Các doanh nghiệp “tuồn” phế liệu nhập khẩu vào các làng nghề và cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Các doanh nghiệp “tuồn” phế liệu nhập khẩu vào các làng nghề và cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Từ ngày 1/1/2019, Trung Quốc tiếp tục bổ sung tám chủng loại phế liệu vào danh sách cấm nhập khẩu, Ma-lai-xi-a cũng cắt giảm hầu hết danh mục phế liệu được phép nhập khẩu. Cho nên, thời gian tới các chuyên gia dự báo phế liệu tiếp tục dịch chuyển mạnh vào Việt Nam làm gia tăng lượng nhập khẩu, đồng thời xuất hiện các dấu hiệu, thủ đoạn buôn lậu qua các tuyến đường vận chuyển.

Ðại diện Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho biết, hiện nay trung bình mỗi tuần có hơn 2.000 công-ten-nơ phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam và đều được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan.

Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai hiệu quả Chỉ thị 27/CT-TTg; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành về quản lý nhập khẩu phế liệu giữa các bộ: Tài chính, TN&MT, Công thương, GTVT, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, UBND các tỉnh, thành phố.

Trần Hòa

BẢN DESKTOP