Y học và đời sống

Lô mỹ phẩm của Công ty Bích Cao White bị thu hồi, tiêu hủy

  • Tác giả : Hữu Thông
Lô sản phẩm Serum phục hồi da hư tổn, số công bố 24/22/CBMP-KH của Công ty Bích Cao White bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc, khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang.

Công thức không đúng như hồ sơ công bố

Cục Quản lý Dược đã ban hành Công văn số 1271/QLD-MP ngày 3/5/2024, về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm. Cụ thể, đơn vị này thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc đối với lô sản phẩm Serum phục hồi da hư tổn (số lô 220720, ngày sản xuất 15/12/2023, hạn sử dụng 15/12/2025); số công bố 24/22/CBMP-KH.

Công văn số 1271/QLD-MP ngày 3/5/2024 của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

Công văn số 1271/QLD-MP ngày 3/5/2024 của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty TNHH Bích Cao White (Công ty Bích Cao White, số 163 hẻm 278, Châu Thị Kim, phường 7, thành phố Tân An, tỉnh Long An). Công ty TNHH TM & DV Hải Tâm (thôn 5, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) sản xuất.

Lý do bị thu hồi là mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm (ghi thêm thành phần Rose Otto Essential Oil; không ghi thành phần Pentylene Glycol, Sargassum Fusiforme Extract - căn cứ Quyết định số 194/QĐ-SYT ngày 4/4/2024 của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa về việc thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và Công văn số 327/TB-QLTTLA ngày 22/3/2024 của Cục Quản lý thị trường kèm quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Bích Cao White).

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Serum phục hồi da hư tổn nêu trên, trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm. Đồng thời, tiến hành thu hồi lô, tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm nêu trên. Kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện, xử lý đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.

Sản phẩm Serum Bích Cao White chào bán trên Lazada. Ảnh chụp màn hình.

Sản phẩm Serum Bích Cao White chào bán trên Lazada. Ảnh chụp màn hình.

Công ty Bích Cao White, Công ty TNHH TM & DV Hải Tâm có trách nhiệm gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng sản phẩm Serum phục hồi da hư tổn nêu trên; tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh, thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm không đáp ứng quy định.

Công ty Bích Cao White, Công ty TNHH TM & DV Hải Tâm gửi báo cáo thu hồi và tiêu hủy sản phẩm Serum phục hồi da hư tổn nêu trên về Cục Quản lý Dược.

Cục Quản lý Dược đề nghị, Sở Y tế tỉnh Long An, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa giám sát công ty thực hiện thu hồi và tiêu hủy sản phẩm Serum phục hồi da hư tổn không đáp ứng quy định; báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 5/6/2024.

Lo ngại ảnh hưởng sức khỏe

Trên mạng xã hội, Fanpage “Bích Cao White Chính chủ”, giới thiệu “Chuyên điều trị các tình trạng da mụn nám tàn nhang,trắng da mặt, Body...”.

Ngoài ra, nhiều trang Facebook cá nhân cùng tên “Bích Cao White Chính chủ”, giới thiệu nội dung như: “CEO Cao Thị Ngọc Bích sáng lập thương hiệu Bích Cao White” kèm số điện thoại 0792436695. Các trang này quảng cáo nhiều bộ mỹ phẩm từ mặt đến da body: Combo trị nám thảo dược, combo trà xanh, combo pell da, kem body cốt…

Trên trang thương mại điện tử Lazada, sản phẩm mỹ phẩm Serum phục hồi da hư tổn Bích Cao White đang được chào báo với giá 250.000 đồng; trên Shopee, Serum phục hồi da hư tổn Bích Cao White 20ml có giá bán 145.000 đồng.

Tuy nhiên, không trang nào có khuyến cáo người tiêu dùng về sản phẩm bị thu hồi nêu trên. Nhiều người bất ngờ, hoang mang khi biết thông tin về lô sản phẩm phải thu hồi, tiêu hủy. Họ không biết trước đó có dùng phải sản phẩm vi phạm này.

Chị Mạc Thị Hoa (38 tuổi, TP HCM) chia sẻ, qua báo chí, chị biết thông tin lô sản phẩm Serum phục hồi da hư tổn (số lô 220720, ngày sản xuất 15/12/2023, hạn sử dụng 15/12/2025; số công bố 24/22/CBMP-KH) bị thu hồi, rất hoang mang.

“Nếu không may dùng phải lô sản phẩm Serum phục hồi da hư tổn thuộc diện bị thu hồi, có bị ảnh hưởng sức khỏe hay biến chứng không?”, chị Hoa đặt câu hỏi.

Trong khi đó, chị Thu Nguyệt (25 tuổi, TP HCM) băn khoăn, nhiều người tiêu dùng không thể biết mỹ phẩm mình sử dụng có chứa thành phần gì. “Khi mua, nhiều khách chủ yếu dựa trên uy tín, thương hiệu, ít khi chú ý thành phần của sản phẩm", chị Nguyệt bày tỏ.

Chuyên gia cảnh báo gì?

Trao đổi với báo chí, ThS.BS Phan Ngọc Huy - Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết, những biến chứng thường gặp sau khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc là bị viêm da tiếp xúc dị ứng với biểu hiện bong tróc vảy, đỏ da, ngứa. Trường hợp nặng, làn da có thể bị viêm tiết dịch, dễ dẫn đến nhiễm trùng, tạo sẹo xấu.

Ngoài ra, tình trạng sạm da sau phản ứng dị ứng cũng khá thường gặp và cần điều trị trung bình 3 - 6 tháng để phục hồi hoàn toàn.

Sử dụng mỹ phẩm phù hợp đặc điểm làn da của mỗi cá nhân là quan trọng nhất. Việc lựa chọn “hàng hiệu” chỉ là một yếu tố. Các yếu tố khác quan trọng không kém là hoạt chất phù hợp làn da.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Oanh - Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, khẳng định, có rất nhiều tác hại, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người, đặc biệt là da, khi sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Một số người sẽ bị ảnh hưởng ngay sau khi dùng mỹ phẩm, như mẩn đỏ, nổi ban, dị ứng trực tiếp trên da. Có trường hợp bị muộn hơn, sau khi dùng sản phẩm được một thời gian thì da mặt mỏng, giãn mạch nhiều hơn.

“Đa số mỹ phẩm bị làm giả sẽ có thành phần là những kim loại nặng. Sử dụng những loại mỹ phẩm này lâu sẽ gây biến đổi gen và các tế bào, phát sinh bệnh về gan, nội tiết…, thậm chí còn ảnh hưởng chức năng sinh sản, gây vô sinh", bác sĩ Oanh nói.

Thạc sĩ này cũng khuyến cáo, cần tìm hiểu thông tin, nguồn gốc của sản phẩm trước khi sử dụng. Chọn mua sản phẩm tại những nơi uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, tem mác rõ ràng, đồng thời tìm loại phù hợp da của mình. Để chắc chắn khi sử dụng không bị kích ứng hoặc gặp tác dụng phụ, người dùng nên đến chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ để được tư vấn.

Công ty TNHH Bích Cao White (số 163 hẻm 278, Châu Thị Kim, phường 7, thành phố Tân An, tỉnh Long An) thành lập ngày 9/6/2020, do bà Cao Thị Kim So làm đại diện pháp luật. Ngành nghề kinh doanh chính: Bán buôn thực phẩm chức năng.

Công ty TNHH TM & DV Hải Tâm (thôn 5, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) thành lập ngày 14/6/2016, do ông Hồ Phúc Hải làm đại diện pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Thị Hương (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), khoản 1 và khoản 2, Điều 50, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Hành vi sản xuất mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng bị phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng; buộc tiêu hủy mỹ phẩm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b và điểm c, khoản 1, Điều 50; kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại điểm b, điểm c, khoản 1 điều này.

Trường hợp cố tình phân phối ra thị trường mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng, kinh doanh mỹ phẩm đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thông báo thu hồi, có thể bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng theo quy định tại khoản 3, Điều 71, Nghị định 117/2020/NĐ-CP về mức phạt vi phạm trong mua bán mỹ phẩm, hoạt động kinh doanh mỹ phẩm.

Ngoài phạt tiền, đơn vị bị xác định vi phạm buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm mỹ phẩm quy định tại khoản 1, khoản 2 và các điểm a, b, c khoản 3 điều 71; buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại khoản 3 điều này.

Nếu có từ 2 sản phẩm mỹ phẩm trở lên vi phạm thuộc cùng một hành vi tại các khoản 1, 2, 3, Điều 71, bị phát hiện trong cùng một lần thanh tra, kiểm tra, thì xử phạt một hành vi và áp dụng tình tiết tăng nặng.

Hữu Thông

BẢN DESKTOP