Liệt nhiều bộ phận vì zona biến chứng
Cụ Lâm (73 tuổi) đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong tình trạng sốt, chóng mặt, buồn nôn, méo miệng, có mụn nước tai trái. Cụ được chẩn đoán zona thần kinh tai trái trên nền đa bệnh lý, biến chứng liệt mặt ngoại biên, liệt hầu họng và dây thanh bên trái.
Trước đó, cụ có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp 10 năm và có tiền sử mắc thuỷ đậu. Khi xuất hiện triệu chứng zona thần kinh cụ Lâm chủ quan nghĩ mình mắc viêm họng và tự mua thuốc điều trị tại nhà. Đến khi trở nặng, gia đình mới đến bệnh viện chữa trị.
ThS.BSNT Nguyễn Thị Thúy Hậu, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, người từng mắc thủy đậu đều có thể bị zona, cụ Lâm tiền sử đa bệnh lý sức đề kháng giảm, tuổi cao là yếu tố tăng nguy cơ phát triển bệnh. Nếu đến trễ hơn, người bệnh có nguy cơ gặp biến chứng nặng của zona thần kinh, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Hậu chỉ định điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc kháng virus, thuốc giảm đau thần kinh. Sau 10 ngày, bệnh nhân dần hết sốt, giảm đau đầu, hết nôn và ra viện.
Bác sĩ Hậu cho biết, zona thần kinh có thể tiến triển để lại biến chứng nặng ở người bệnh trên 50 tuổi, có nhiều bệnh nền (đái tháo đường, bệnh sử dụng corticoid kéo dài, ung thư dùng thuốc ức chế miễn dịch, HIV,...), hoặc tổn thương da ở vùng đầu mặt cổ.
Bác sĩ khuyến cáo, tiêm phòng vắc-xin zona thần kinh - thủy đậu là biện pháp chủ động phòng bệnh hiệu quả nhất, giảm nguy cơ tái mắc và gây biến chứng nặng. Khi xuất hiện những biểu hiện bất thường nghi ngờ thủy đậu hoặc zona thần kinh, khách hàng nên chủ động đi khám sớm nhất để được điều trị đúng cách, giảm nguy cơ biến chứng và di chứng sau khỏi bệnh.
Bệnh nhân liệt mặt, liệt hầu họng ... vì tự điều trị zona thần kinh |
Tái hoạt động của virus thủy đậu gây nhiều biến chứng nặng
Theo ThS.BSNT Nguyễn Vũ Hồng Vân - Khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, bệnh thủy đậu và Zona thần kinh (giời leo) thực chất do cùng virus Varicella Zoster (VZV) thuộc họ Herpesviridae gây ra. Tuy vậy, cơ chế gây bệnh có khác nhau, trẻ em bị thủy đậu trước 18 tháng có nguy cơ cao mắc Zona thần kinh trong tương lai.
Tuy nhiên ở một số người, khi hết bệnh thủy đậu, VZV vẫn núp lại, “ngủ đông” trong các tế bào, hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt. Sau một thời gian, khi gặp điều kiện thuận lợi như hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể suy nhược, sang chấn tinh thần, mắc bệnh mạn tính,... VZV sẽ “thức dậy”, tái hoạt và phát triển. Chúng nhân lên và di chuyển theo hệ thống dây thần kinh, làm tổn thương niêm mạc ở các đầu dây thần kinh cảm giác, gây bệnh Zona. Ước tính, khoảng 15% người mắc thủy đậu sẽ bị Zona thần kinh sau này.
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh Zona thần kinh là: mệt mỏi, sốt, đau đầu,... do đó dễ bị nhầm lẫn với các bệnh cảm sốt thông thường. Sau vài ngày, cơ thể người bệnh xuất hiện một số vùng da bị bỏng rát, nổi mụn nước, ngứa ngáy, nhạy cảm, đau khi chạm vào. Zona thần kinh có thể chỉ xuất hiện quanh mắt, trong mắt hoặc xuất hiện đồng thời ở các bộ phận khác của cơ thể như: Vùng da tai, môi, má, lồng ngực, eo,…
Biến chứng đáng sợ của bệnh zona thần kinh
ThS.BSNT Nguyễn Vũ Hồng Vân nhấn mạnh, bệnh zona thần kinh không gây nguy hiểm cho tính mạng và bệnh sẽ thuyên giảm sau 2-3 tuần. Tuy nhiên nếu người bệnh không được điều trị phù hợp có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như: đau thần kinh dai dẳng, viêm màng não, sẹo mất thẩm mỹ,... Trong đó, bệnh đặc biệt có thể làm tổn thương thần kinh và ảnh hưởng trực tiếp tới thị giác.
Mù lòa: Gần 25% người bệnh Zona thần kinh bị phát ban ở vùng mắt, thậm chí là bên trong mắt. Những tổn thương ở vùng mắt có thể kể đến như:Gây vết loét và sẹo trên bề mặt; Sưng và đỏ; Bệnh tăng nhãn áp: áp lực tích tụ bên trong mắt; Tổn thương dây thần kinh mắt, viêm kết mạc, giác mạc: Suy giảm thị lực thậm chí mù lòa vĩnh viễn.
Đau thần kinh: Đau thần kinh Zona là biến chứng phổ biến nhất của bệnh Zona. Tình trạng này ảnh hưởng đến các sợi thần kinh và da, gây đau rát kéo dài, có khi hàng tháng, hàng năm thậm chí là cả đời, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Viêm màng não: Tai cũng là một vị trí dễ phát ban Zona. Thông thường những nốt ban này sẽ tự lành sau 2 tuần, tuy nhiên do cảm giác ngứa ngáy khó chịu khiến người bệnh thường chà xát lên vết thương trong vô thức. Các nốt ban bị vỡ dễ dẫn đến bội nhiễm ở các khu vực lân cận, gây viêm tấy ống tai ngoài, viêm sụn màng tai,... khiến bệnh tình phức tạp hơn.
Đặc biệt lưu ý những biến chứng đáng sợ của Zona ở tai như: Ramsay Hunt: tình trạng liệt mặt một bên mà ca sĩ Justin Bieber vừa mắc phải; Điếc tiếp nhận không hồi phục; Sốt cao, nôn nhiều, rối loạn tiêu hóa; Viêm màng não...
Phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu. Ngoài ra, duy trì lối sống khỏe mạnh, ăn uống điều độ sẽ củng cố hàng rào bảo vệ cơ thể, ngăn chặn sự phát triển của mầm bệnh tiềm ẩn.
Ngay khi phát hiện các dấu hiệu của Zona thần kinh, người bệnh cần phải sớm liên hệ với bác sĩ để được thăm khám, điều trị phù hợp.