Y học và đời sống

“Liệt” chân tay do tỳ suy yếu

Tỳ bao gồm nhiều chức năng của tụy tạng và bộ máy tiêu hóa chứ không phải chỉ là lá lách. Tỳ suy yếu không chỉ sinh đầy bụng, ăn không tiêu, kém ăn, môi khô, lưỡi teo… mà còn gây chảy máu, teo cơ, chân tay không cử động được…

5 tạng, 6 phủ, chân tay… đều nhờ tỳ hoạt động

GS.TSKH Hoàng Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện 19-8, Bộ Công an cho biết, tỳ không chỉ là lá lách như nhiều người hiểu, người xưa quy định cho tạng tỳ nhiều chức năng của tụy tạng và bộ máy tiêu hóa, chứ không chỉ là lá lách. Chức năng của tỳ suy yếu sẽ sinh đầy bụng, ăn không tiêu, không vận hóa được tinh khí của đồ ăn, thức uống làm cho thủy thấp không thông, người sẽ gầy yếu, cơ nhục mệt mỏi.

Tỳ ứng với hành thổ ở trung tâm, tương hợp với màu vàng trong ngũ sắc, sự lo âu trong ngũ tình, vị ngọt trong ngũ vị khai khiếu ra miệng, vinh nhuận ra môi, vì vậy, môi khô, xanh nhợt, miệng chán, kém ăn là bệnh ở tỳ.

GS Hoàng Bảo Châu, nguyên Giám đốc Viện Y học Cổ truyền T.Ư phân tích, tỳ trong ngũ hành thuộc thổ, vị trí ở trung tiêu, trong bụng trên. Tỳ là tạng chủ yếu về chức năng: dinh dưỡng vận hóa thức ăn, thống nhiếp huyết dịch, sinh ra cơ nhục. Quá trình tiêu hóa thức ăn, hấp thụ và vận hóa do tỳ vị hoàn thành. Vị chủ tiêu hóa, tỳ chủ vận hóa.

Như vậy, tỳ giúp vị tiêu hóa thức ăn và sau đó vận chuyển, biến hóa các tính vị của thức ăn thành chất cần thiết cho cơ thể và thông qua kinh mạch để phân bố đi toàn thân. Mạch thái âm tỳ qua vị, về tỳ. Vì thế, tân dịch trong vị do tỳ hấp thụ, thông qua kinh tỳ truyền đi 3 kinh âm. Kinh dương minh vị có quan hệ biểu lý với kinh thái âm tỳ, do đó, tân dịch sẽ qua kinh dương minh để đến các kinh dương. Tỳ vị giúp nhau trong quá trình tiêu hóa, vận hóa tinh vi của thủy cốc.

Tỳ có tính thấp, chủ việc đưa các chất dinh dưỡng lên, vị có tính táo, chủ việc đưa thức ăn xuống. Tỳ thấp vị táo, hai loại táo thấp tác động lẫn nhau trong quá trình tiêu hóa, thức ăn đã tiêu hóa rồi đi xuống, tỳ chủ đi lên đưa tân dịch đã được hấp thụ rồi đi lên. Tỳ là gốc của hậu thiên vì 5 tạng, 6 phủ, chân tay, gân, xương, cơ, da, lông đều nhờ sự vận hóa của tỳ mới có dinh dưỡng để hoạt động.

Ảnh minh họa

Tỳ kém sẽ khiến chân tay khó hoạt động

Hơn nữa, “tỳ chủ thấp nhưng sợ thấ, tỳ tính thấp”, nhưng lại vận hóa thủy thấp, làm cho thủy thấp ở trong người hóa bình thường. Nếu vận hóa bị rối loạn, thủy thấp sẽ tích lại và tùy điều kiện sẽ sinh ra đởm ẩm phù thũng. Lúc đó, thủy thấp lại ảnh hưởng đến chức năng của tỳ gọi là “thấp khốn tỳ thổ”.

Tỳ hư gây chảy máu, teo cơ

Theo GS Hoàng Bảo Châu, tỳ chủ tứ chi. Tứ chi là gốc của các dương. Tứ chi muốn hoạt động phải có dương khí do thức ăn cung cấp. Muốn có dương khí đó phải có vị tiêu hóa thức ăn và tỳ vận chuyển, phân bố dinh dưỡng cho tứ chi. Nếu tỳ kém không vận chuyển tân dịch được, tứ chi sẽ không có khí của thức ăn, khí sẽ ngày một kém, mạch sẽ không thông, gân xương cơ không có khí nuôi dưỡng sẽ không hoạt động được.

Hơn nữa, tỳ thống huyết. Tỳ không những sinh ra huyết còn duy trì sự vận hành bình thường của huyết. Nếu tỳ hư thì không duy trì tốt sự vận hành của huyết, huyết sẽ ra đi ngoài mạch và sinh chảy máu. Phép chữa phải “bổ tỳ nhiếp huyết” để đưa huyết về mạch.

Đặc biệt, tỳ còn chủ về cơ nhục, biểu hiện ra ở môi. Thức ăn vào vị qua sự vận hóa của tỳ thành dinh dưỡng nuôi cơ nhục. Được nuôi dưỡng tốt, bắp thịt sẽ đầy đặn. Khi tỳ hư, vận hóa kém, cơ nhục không được nuôi dưỡng đầy đủ sẽ gầy teo đi. Tỳ vị có quan hệ biểu lý với nhau. Kinh vị vòng qua môi, tỳ chủ cơ nhục nên tỳ và môi có liên quan nội tại với nhau.

Tỳ hư, bệnh lâu không được nuôi dưỡng tốt, môi sẽ vêu, teo không nhuận. Nếu khí của thái âm tỳ tuyệt, thì mạch không nuôi cơ nhục nữa, môi sẽ vêu, lưỡi sẽ teo. Qua môi có thể thấy rõ tình hình của tỳ.

Nhật Hà (ghi)

BẢN DESKTOP