Trong nước

Liên tục sạt lở tại Bảo Lộc và nhiều địa phương: Nguyên nhân do đâu?

  • Tác giả : Hải Ninh
Nhiều chuyên gia phòng, chống thiên tai và địa chất cho rằng, nguyên nhân sạt lở đất liên tiếp ở Lâm Đồng là do mưa lớn kéo dài, đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở.

Sự cố sạt lở nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 20, đoạn qua đèo Bảo Lộc mới đây khiến ba CSGT hy sinh và một người dân tử vong lần nữa rung hồi chuông cảnh báo về môi trường.

Hiện trường sạt lở đèo Bảo Lộc

Hiện trường sạt lở đèo Bảo Lộc

Nguyên nhân sạt lở liên tiếp

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, TS Nguyễn Thành Vạn - Tổng hội Địa chất Việt Nam - cho hay, những vùng đồi núi bị sạt lở tại Lâm Đồng có đặc điểm chung là lớp vỏ phong hóa dày, tính chất bở rời rất cao.

“Do phong hóa không đồng đều, nơi đất dày, nơi đá tảng nhiều. Khu vực đèo Bảo Lộc, theo điều tra địa chất, là những đá mắc ma, khi nứt vỡ ra thành khối tảng rất lớn. Do phong hóa không đều, những khối đá tảng nằm trong đất, xen kẹt là các vùng đất mềm, bở. Khi mưa lâu ngày diễn ra, chỗ này sẽ kích động chỗ kia”, TS Vạn nói.

Theo chuyên gia địa chất này, những vụ sạt lở ven Quốc lộ 20 không phải bây giờ mới có, mà đã nhiều lần xảy ra. Vụ mới đây liên quan việc 3 CSGT cùng một người dân hy sinh do bị sạt lở, vùi lấp.

TS. Nguyễn Vạn Thành

TS. Nguyễn Vạn Thành

Nguyên nhân do mưa lũ diễn biến bất thường. Trong những đợt mưa lớn kéo dài, lớp vỏ phong hóa bở rời ra và các tảng đá nặng độ dốc cao lăn xuống. Khu vực hoang vắng không có người, cảm tưởng như việc sạt lở là bình thường, có thiên tai nhưng không thành thảm họa. Tuy nhiên, khi xảy ra tại khu vực dân cư, nơi có người ở hoặc gây tai nạn cho lực lượng chức năng đang thi hành công vụ, sự quan tâm của con người đến sạt lở đất ngày càng nhiều lên.

Nhìn chung, đó là yếu tố mang tính chất thiên tai, đặc điểm địa chất do vỏ phong hóa dày và không đồng đều, nước ngấm độ bở rời khác nhau, các đá tảng còn tồn dư tại vỏ phong hóa sẽ trượt theo mặt dốc.

PGS.TS Cao Đình Triều - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý Ứng dụng - cho biết, tại khu vực đèo Bảo Lộc hay tỉnh Lâm Đồng, trầm tích bở rời dày, phong hóa dày, trời mưa thấm đất đá hay bị trượt lở. Yếu tố quan trọng gây sạt lở đất tại khu vực này do địa hình mái dốc và bề dày trầm tích bở rời, phong hóa dày. Khi mưa xuống, đất nhão là trôi trượt.

PGS.TS. Cao Đình Triều

PGS.TS. Cao Đình Triều

Ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) - tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ này chiều ⅛, thông tin: Trước mắt, nguyên nhân được xác định là lượng mưa lớn kéo dài và thảm thực bì tại đèo khá yếu.

Ông Lực cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 156 thi hành Luật Lâm nghiệp, trong đó quy định rất rõ về việc trồng 3 loại rừng gồm đặc dụng, phòng hộ và sản xuất.

“Khu vực sạt lở là rừng phòng hộ. Ở khu vực này, theo quy định, phải trồng cây bản địa có bộ rễ phát triển và lá không rụng theo mùa. Tuy nhiên, địa phương lại trồng sầu riêng là không đúng. Đây thuộc trách nhiệm của địa phương và sẽ được làm rõ trong thời gian tới”, ông Lực nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc là bài học mới, nguy cơ mới. Mưa lũ, sạt lở đất do tác động của biến đổi khí hậu rất khó đoán định. Với điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ bất thường như hiện nay, tất cả tác động của con người đều có thể gây ra hậu quả.

Sạt lở xảy ra tại nhiều địa phương, giải pháp giảm thiệt hại thiên tai

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, ngoài Lâm Đồng, cả nước có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở. Nước ta có 80% diện tích là đồi núi, trượt lở đất thường xuyên xảy ra ở miền núi. Có nhiều nơi còn trầm trọng hơn vùng Lâm Đồng như vụ việc ở đèo Bảo Lộc vừa qua.

Toàn cảnh đèo Bảo Lộc bị sạt lở

Toàn cảnh đèo Bảo Lộc bị sạt lở

Ví dụ, vùng Tây Bắc hay miền Tây Trung Bộ như Quảng Nam, miền tây Quảng Bình, tây Nghệ An… Trong điều kiện khí hậu cực đoan, mưa nhiều kéo dài tạo ra những dòng nước chảy bề mặt rất hay sạt lở. Trong khi đó, rừng tự nhiên bị chặt trụi nên dễ xảy ra sạt lở đất.

“Rừng nguyên sinh chặt gần hết, có nơi còn chưa kịp trồng mới, có nơi chặt rừng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên không giữ được nước bề mặt, dẫn đến trôi chảy nhanh, gây sạt lở. Cách đây mấy năm xảy ra vụ sạt lở trên Tây Bắc hay gần đây ở Quảng Nam mức độ rất nghiêm trọng. Trượt về địa chất có từ xưa, nhưng khi đó ít trượt lở do có nhiều rừng nguyên sinh. Bây giờ, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần trượt lở mạnh, lũ ống, lũ quét để có những giải pháp phòng, tránh hậu quả đáng tiếc như đã diễn ra thời gian qua”, ông Triều nói.

PGS.TS Cao Đình Triều lưu ý, khi xây dựng công trình, cần giảm độ mái dốc xuống và có biện pháp chống trượt tại những điểm trượt cụ thể. Có nhiều biện pháp chống trượt từ đơn giản đến phức tạp. Đơn giản nhất là giảm độ dốc và trồng cây. Trồng cây có thể giữ đất khỏi trôi trượt nhưng trồng cây như nào để thành biện pháp chống trượt? Cần chọn các loại cây bám rễ sâu xuống đất xuyên qua lớp phong hóa mới giữ được. Có những loại cây rễ nằm trên bề mặt thì không bảo vệ được.

Hình ảnh cứu hộ đèo Bảo Lộc

Hình ảnh cứu hộ đèo Bảo Lộc

TS Nguyễn Thành Vạn cho rằng, về lâu dài, cần khảo sát kỹ những khu vực dự kiến ổn định dân cư, tái định cư hay lập trụ sở làm việc. Đồng thời, phải có kịch bản cụ thể và giải pháp lâu dài để ứng phó với sạt lở đất đá trên cả nước.

Chính quyền các địa phương và người dân cũng cần chủ động hơn trong việc phòng, chống sạt lở như kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Lâm Đồng còn 163 vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở

Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho hay, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất. Địa phương này tiếp tục rà soát, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Nửa đầu năm 2023, thiên tai làm 49 người chết

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống Thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), từ đầu năm 2023 đến tháng 7/2023, cả nước chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai, trong đó đã xảy ra một áp thấp nhiệt đới, 27 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; 148 trận dông lốc, sét, mưa đá; 211 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển…

Thiên tai làm 49 người chết, mất tích; 36 người bị thương. Về tài sản, 162 nhà sập đổ, 7.888 nhà bị hư hỏng; 41.581 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 20 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng...

“Rừng nguyên sinh chặt gần hết, có nơi còn chưa kịp trồng mới, có nơi chặt rừng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên không giữ được nước bề mặt, dẫn đến trôi chảy nhanh, gây sạt lở”, PGS.TS Cao Đình Triều.

Truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho 3 CSGT hy sinh ở đèo Bảo Lộc

Ngày 2/8, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho 3 liệt sĩ của phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ tại chốt CSGT đèo Bảo Lộc.

Trước đó, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho 3 liệt sĩ gồm: Trung tá Nguyễn Khắc Thường, thiếu tá Lê Quang Thành và đại úy Lê Ánh Sáng đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tại buổi lễ, đại tá Trương Minh Đương cho biết, trong suốt quá trình công tác, chiến đấu, Trung tá Nguyễn Khắc Thường, Thiếu tá Lê Quang Thành và Đại úy Lê Ánh Sáng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mặc dù, đối diện với hiểm nguy nhưng các chiến sỹ vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông và đảm bảo an toàn cho nhân dân.

Hải Ninh

BẢN DESKTOP