Vừa qua, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã liên tiếp xử trí cấp cứu 2 ca thuyên tắc động mạch phổi cấp gặp cả trong và ngoài viện.
Nguy kịch bắt đầu từ huyết khối
Bệnh nhân L.V.B (37 tuổi) trú tại huyện Hải Hà, ở nhà xuất hiện đau tức ngực, khó thở được đưa vào Trung tâm y tế huyện cấp cứu trong tình trạng tụt huyết áp. Khai thác tiền sử bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, dùng thuốc đều đặn.
Kíp trực nhanh chóng liên hệ hội chẩn với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, chẩn đoán nghi ngờ thuyên tắc động mạch phổi cấp. Bệnh nhân được xử trí cấp cứu duy trì thuốc chống đông, vận mạch và lập tức chuyển lên Bệnh viện tỉnh.
Tiếp nhận trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc có biểu hiện sốc, da toàn thân còn tái lạnh, mạch nhanh, huyết áp thấp, đang duy trì thuốc vận mạch. Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính dựng hình mạch phổi phát hiện tình trạng tắc động mạch phổi hai bên.
Bệnh nhân có chỉ định tái tưới máu bằng thuốc tiêu sợi huyết và dùng thuốc kháng đông. Tình trạng sốc cải thiện dần, huyết áp ổn định và được dừng các thuốc vận mạch. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực, hết đau tức ngực, các chỉ số ổn định.
Nằm trên giường bệnh, bệnh nhân B. chia sẻ: “Năm ngoái, tôi được bác sĩ chẩn đoán bị huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Tôi ở nhà uống thuốc khá đều đặn, gần đây đột nhiên đau ngực, khó thở nên cũng rất hoang mang, lo lắng khi bác sĩ chẩn đoán tôi bị thuyên tắc phổi nặng nề như vậy.
Nếu không được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh kịp thời thì có lẽ giờ tôi không còn nằm đây nữa. Thật cảm ơn các y bác sĩ đã cứu chữa cho tôi hồi phục như bây giờ”.
Một trường hợp khác phát hiện tình trạng thuyên tắc động mạch phổi cấp khi đang điều trị xuất huyết não tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bà P.K.T. (57 tuổi). Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện suy hô hấp, ngừng tuần hoàn. Ngay lập tức, người bệnh được cấp cứu hồi sinh tim phổi thành công.
Các bác sĩ khẩn trương đánh giá nguyên nhân ngừng tuần hoàn tại chỗ qua các kết quả cận lâm sàng, chẩn đoán tình trạng thuyên tắc động mạch phổi cấp gây suy hô hấp, ngừng tuần hoàn ở bệnh nhân xuất huyết não.
Người bệnh lập tức được điều trị tích cực theo phác đồ, sức khỏe sau đó cải thiện dần, tri giác phục hồi tốt. Bệnh nhân đã được chuyển tập phục hồi chức năng và phối hợp sử dụng thuốc chống đông duy trì.
Diễn biến đột ngột và 60% tử vong trong 2 giờ đầu
Thuyên tắc phổi cấp là tình trạng tắc mạch máu trong phổi do huyết khối, nguyên nhân thường do huyết khối tĩnh mạch chi dưới di chuyển lên. Bệnh không hiếm gặp nhưng lại khó chẩn đoán do không có triệu chứng đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác.
Đây là cấp cứu nội khoa nặng, khởi phát đột ngột, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 30%, vì vậy công tác chẩn đoán ban đầu đòi hỏi sự nhanh nhạy và chính xác để đưa ra hướng điều trị đúng đắn, kịp thời nhất.
Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực thăm khám, kiểm tra lại sức khỏe cho bệnh nhân B. |
BSCKII Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Gần đây, khoa Hồi sức tích cực liên tục tiếp nhận các trường hợp cấp cứu thuyên tắc động mạch phổi cấp ở bệnh cảnh khác nhau.
Hai trường hợp chúng tôi điều trị vừa qua xảy ra rất đột ngột, nặng nề với tình trạng mạch phổi hai bên tắc. Đặc biệt ở bệnh nhân T. khi đang nằm điều trị xuất huyết não ngày thứ 15 hiện đã ngừng thở máy, tri giác gọi hỏi biết, được cho rời giường bệnh sớm, ngồi xe lăn để bắt đầu tập vận động.
Tuy nhiên, bệnh nhân đột ngột xuất hiện ngừng tuần hoàn, rất may mắn được phát hiện ngay lập tức và cấp cứu có tuần hoàn tái lập sau khoảng 5 phút. Sau khi khảo sát chụp CLVT có hình ảnh tắc động mạch phổi hai bên.
Bệnh nhân không có chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết Alteplase vì có xâm phạm chống chỉ định và được điều trị bằng Heparin truyền tĩnh mạch chỉnh liều theo đích APTTs. Rất may mắn cả 02 trường hợp trên cho đến nay hồi phục tốt, di chứng tối thiểu”.
Thuyên tắc động mạch phổi có thể xảy ra đột ngột với bất kì ai, ở bất cứ độ tuổi nào, nguy cơ thường gặp ở bệnh nhân phẫu thuật, có tình trạng hạn chế vận động (gãy xương chi dưới, nằm điều trị hồi sức, cao tuổi…), bệnh lý ác tính, bệnh nhân có tiền sử huyết khối tĩnh mạch…
Các triệu chứng lâm sàng của thuyên tắc phổi rất đa dạng và hầu hết đều không đặc hiệu, có thể xuất hiện ở rất nhiều bệnh cảnh khác nhau. Khi thuyên tắc động mạch phổi cấp mức độ nặng, nguy cơ tử vong có thể lên tới 60% với diễn biến rất nhanh trong 1 đến 2 giờ đầu.
Khi bệnh nhân đã được chẩn đoán thuyên tắc phổi cấp thì cần giải quyết tình trạng này bằng liệu pháp tiêu sợi huyết nếu có chỉ định và duy trì liều thuốc kháng đông phù hợp chống huyết khối tái phát.
Đối với người bệnh diễn biến nặng dẫn tới suy hô hấp, suy tuần hoàn thì ưu tiên hồi sức tim phổi, phối hợp với các biện pháp điều trị tích cực khác: thở máy hỗ trợ hô hấp, đảm bảo chức năng tuần hoàn bằng thuốc vận mạch, tăng co bóp cơ tim và các biện pháp hỗ trợ chức năng tạng.