Giáo dục

Lì xì ngày Tết: Của cho không bằng cách cho

  • Tác giả : Cát Cát
(khoahocdoisong.vn) - Lì xì ngày Tết, chuyện tưởng đơn giản nhưng để giữ lại được nét đẹp văn hóa của phong tục này, và để không bị phạt… 1 triệu lại cần có những lưu ý.

Băn khoăn bị phạt 1 triệu nếu tự ý lấy tiền lì xì của con

Thông tin cha mẹ có thể bị phạt 1 triệu đồng nếu lấy tiền của con làm nhiều phụ huynh lo lắng.

Cụ thể, theo điểm a, khoản 2, Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy, Phòng, chống bạo lực gia đình; có hiệu lực từ ngày 28/12/2013), hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình bị xem là hành vi bạo lực về kinh tế và sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Trong khi đó, khoản 1, Điều 75, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về Quyền có tài sản riêng của con, quy định: "Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con".

Chiếu theo quy định trên, tiền lì xì Tết cũng được coi là tài sản riêng của con. Nếu cha mẹ yêu cầu con trẻ đưa tiền lì xì cho mình mà con không đồng ý thì có thể bị xử phạt.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng quy định: tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý; con đủ 15 tuổi trở lên có thể tự quản lý tài sản của mình hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

Như vậy, nếu muốn quản lý, giữ giúp tiền lì xì hoặc tài sản riêng của con, cha mẹ có thể cùng con trao đổi, thỏa thuận để quản lý, sử dụng khoản tiền lì xì Tết hoặc tài sản riêng của con một cách hợp lý.

Khảo sát của PV KH&ĐS với một nhóm phụ huynh 20 người về việc sử dụng tiền lì xì của con thì 16 người cho biết, từ trước đến nay đều sử dụng tiền lì xì của con, và không cần hỏi. Chỉ có 4 người cho biết, đút lợn tiền lì xì cho con, sau đó, dùng tiền này để mua sách vở, quần ảo, đồ chơi cho trẻ.

Chị Lan Anh, nằm trong nhóm 16 người cho biết: “Tiền lì xì của con thực chất cũng là tiền của bố mẹ. Bởi vì bố mẹ lì xì cho con người ta, thì người ta lại lì xì cho con nhà mình. Hơn nữa, con tôi còn nhỏ, biết gì tới tiêu tiền. Cho nên, theo tôi, việc bố mẹ tiêu tiền lì xì của con chẳng có gì là sai”.

Đối với cách lì xì, thì cả 20 người đều cho biết, từ trước tới nay không câu nệ. Lúc thì cho tiền vào phong bao, lúc “tiện” đâu rút lì xì đó, mệnh giá cũng tùy vào từng quan hệ thân – sơ.

Quan trọng là cách cho

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.cho biết, lì xì xuất phát từ văn hóa ứng xử giữa con người và con người, đặc biệt là những người có quan hệ huyết thống. Sau đó mở rộng ra các mối quan hệ xã hội khác nhau như giữa người lớn tuổi với người trẻ tuổi, và ngược lại; giữa thầy với trò; giữa thủ trưởng với nhân viên.

Lì xì ngày Tết cần được thực hiện với thái độ trân trọng. Ảnh minh họa.

Lì xì ngày Tết cần được thực hiện với thái độ trân trọng. Ảnh minh họa.

Ý nghĩa của phong tục lì xì là biểu hiện của quan hệ tốt đẹp, thể hiện sự quan tâm đến nhau. Ví dụ, khi người lớn lì xì cho trẻ em thì nhằm chúc cho trẻ em một năm mới mọi sự tốt đẹp, mau ăn chóng lớn.

Hoặc khi con cái lì xì cho bố mẹ thì là để tỏ lòng biết ơn của con cái đối với công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ.

Cũng chính vì ý nghĩa đó, mà khi lì xì thì cũng không cần phải là một món tiền lớn, mà chỉ những đồng tiền mệnh giá nhỏ cũng được, gọi là lấy may, lấy hên.

Tuy nhiên, cũng không nên quá câu nệ là cứ phải tiền mệnh giá nhỏ thì ý nghĩa mới tốt đẹp. Mà tùy thuộc vào điều kiện kinh tế. Ngày xưa kinh tế khó khăn thì mệnh giá nhỏ. Còn giờ điều kiện kinh tế phát triển rồi thì cũng có thể lì xì với số tiền nhiều hơn, mệnh giá cao hơn.

Có điều không được sử dụng lì xì để mua chuộc, đút lót, là cái biến tướng, thì đó là cái đáng phê phán.

Và điều quan trọng nhất, theo PGS.TS Lê Quý Đức là cách lì xì. Vẫn có câu nói, của cho không bằng cách cho. Cùng là lì xì cho trẻ, nhưng nếu đút tiền vào túi rồi giở ra phát cả tệp thì nó sẽ không hay.

Còn nếu cho vào phong bao màu hồng, thì vừa cho thấy sự chúc phúc, vừa cho thấy sự trân trọng.

Đó không phải là sự cầu kỳ. Mà đã là phong tục ngày Tết thì cần được thiêng hóa, trịnh trọng hơn. Đặc biệt là khi con cái lì xì, mừng tuổi cho bố mẹ. Vào sáng mùng 1, con đưa phong bao lì xì cho bố mẹ, thì cần phải có lời nói, cử chỉ làm sao để thể hiện sự trân trọng, cung kính.

Và đối với cách nhận cũng cần phải lưu ý, cần dạy trẻ, nhận lì xì bằng hai tay và phải nói lời cảm ơn…

Không được mở lì xì ra trước mặt mọi người, phụng phịu khi tiền ít. Cùng không lợi dụng, gợi ý cho con nhận lì xì.

Bố mẹ phải giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của việc lì xì, để trẻ biết trân trọng đồng tiền mà người ta lì xì cho mình.

Còn theo TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) thường là lớp 3 trở lên trẻ đã biết sử dụng tiền, cha mẹ cần dạy con cách sử dụng hợp lý số tiền lì xì đó.

Cách thức đơn giản là yêu cầu con lên kế hoạch sử dụng số tiền đó, tham khảo trước giá cả, lập bảng chi tiêu cụ thể.

Sau khi bố mẹ đã kiểm tra về tính hữu ích, mức giá tiền hợp lý, cách mua đồ, cách sử dụng…. mà thấy phù hợp thì có thể cho con chi tiêu số tiền đó.

Cha mẹ có thể đưa con đi đến cửa hàng, cho con tự chọn đồ và tự trả tiền. Việc này sẽ giúp con hiểu thêm về giá trị đồng tiền và cách sử dụng.

“Theo tôi, việc lì xì cũng cần phải có nghiên cứu. Theo tôi được biết thì nhiều trẻ em không thích lì xì vì nó “cộng đồng hóa” rồi, ai cũng được phong bao, ai cũng được lì xì. Nếu có thể “cá thể hóa” phong tục này thì tốt hơn. Ví dụ, như đối với dịp Noel, trẻ em thích món quà gì sẽ được ông già Noel tặng đúng món quà đó thì trẻ sẽ rất vui thích, việc tặng quà cũng trở nên tinh tế hơn”, PGS.TS Lê Quý Đức.

Cát Cát

BẢN DESKTOP