Khám phá

Lê Trực – võ tướng Cần Vương – kỳ 2: Uy danh và thanh thế

Lê Trực có một vai trò quan trọng trong bộ máy trung ương của phong trào Cần Vương. Đội quân của Lê Trực được giao nhiệm vụ án ngữ huyện Quảng Trạch giữ mặt phía Đông và Đông Nam cho căn cứ Hàm Nghi ở huyện Tuyên Hóa. Đặc biệt, Lê Trực đã chỉ huy nhiều trận đánh để bảo vệ “triều đình” và bảo vệ nhà vua vượt qua những ngày gian khổ cùng các đợt vây bắt của thực dân Pháp.

Núi Chóp Chài – căn cứ địa kháng chiến chống thực dân Pháp của Đề đốc Lê Trực.

Lập đồn trại tham gia Cần Vương

Sau vụ phản công ở Huế tháng 7 năm Ất Dậu (1885) thất bại, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị hạ “Chiếu Cần vương” kêu gọi nhân dân đứng lên phò vua cứu nước. Lời kêu gọi Cần Vương vừa vang lên lập tức ở các nơi đã sục sôi phong trào chống thưc dân Pháp.

Bấy giờ tuy tuổi đã cao, nhưng Lê Trực vẫn hăng hái cầm cờ tướng để chiêu nạp nghĩa sĩ. Khoảng chưa đầy hai tháng Lê Trực đã lập được nhiều đồn trại trên triền sông Gianh từ Thanh Thủy đến Trung Thuần và lấy vùng núi Chóp Chài làm căn cứ địa kháng chiến chống thưc dân Pháp.

Dựa vào địa thế hiểm trở của sông núi, Lê Trực mộ thêm quân sĩ, rèn đúc khí giới, xây dựng căn cứ lâu dài, tiến hành chiến tranh du kích với phương châm chia nhỏ nghĩa quân ra từng nhóm nhỏ, chủ động phục kích, đánh tỉa quân địch.

Để có nguồn lương thực dồi dào phục vụ đời sống của nghĩa quân, Lê Trực còn cho quân lính khai khẩn đất hoang trồng lúa, trồng khoai, chăn nuôi trâu bò, gà, lợn, đào ao thả cá để tự túc quân lương. Nghĩa quân của Lê Trực càng ngày càng phát triển mạnh, số quân ngày một đông và được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật cao.

Địa bàn hoạt động của nghĩa quân cũng được mở rộng. Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã tiến hành nhiều trận đánh lớn nhỏ, tập kích vào đồn giặc Pháp. Có thể nói không một đồn binh nào của Pháp lại không bị nghĩa quân tập kích, không đoàn xe tiếp viện nào của Pháp không bị chặn đánh.

Uy danh và thanh thế

Mặt khác Lê Trực còn liên kết phối hợp với nhiều đội quân Cần Vương khác ở các địa phương trong vùng đó là đội quân Cần Vương do ông Lê Mô Khởi ở Bố Trạch, Mai Lượng ở Cao Mại (Tuyên Hóa), Tú Di Luân và Phạm Thế Lộc ở Quảng Trạch, Hoàng Phúc ở Lệ Thủy, Đề Én, Đề Chít ở Quảng Ninh, tổ chức nhiều trận đánh khác ở Biểu Lệ, Diêm Trường, Lâm Xuân, Sông Nậy…

Đáng chú ý nhất là các trận đánh xảy ra ở quê hương ông như trận Thanh Thủy – Cửa Khe vào tháng 1 năm Bính Tuất (1886), trận Thanh Thủy – Tiến Hóa vào tháng 11 cùng năm đã gây cho quân Pháp nhiều tổn thất lớn.

Uy danh và thanh thế của đội quân Lê Trực vang khắp miền Trung và cả nước, ngay chính quyền thưc dân Pháp cũng phải hoang mang lo sợ, đã nhiều lần điều động đội quân hùng hậu có trang bị vũ khí hiện đại đến đàn áp, tiêu diệt, nhưng rốt cuộc đều bị thất bại nặng nề.

Về vai trò của Đề đốc Lê Trực trong “triều đình Hàm Nghi” chống thưc dân Pháp ở Quảng Bình, sau khi ông được Tôn Thất Thuyết cho phục nguyên hàm và giao cho quản lý 3 con voi của vua Hàm Nghi, Lê Trực đã cùng với các tướng lĩnh như Nguyễn Phạm Tuân, Tôn Thất Đàm, Trần Xuân Soạn phò tá Hàm Nghi trong những ngày đầu ở rừng núi Tuyên Hóa.

Tuy không phải là nhân vật chủ chốt, nhưng Lê Trực có một vai trò quan trọng trong bộ máy trung ương Cần Vương lúc bấy giờ. Đội quân của Lê Trực được giao nhiệm vụ án ngữ huyện Quảng Trạch giữ mặt phía Đông và Đông Nam cho căn cứ Hàm Nghi ở huyện Tuyên Hóa.

Đặc biệt, Lê Trực đã chỉ huy nhiều trận đánh để bảo vệ “triều đình” và bảo vệ nhà vua vượt qua những ngày gian khổ cùng các đợt vây bắt của thực dân Pháp.

(còn nữa)

      Tất Đạt

BẢN DESKTOP