Khám phá

Lê Sát và cái chết của vị công thần khai quốc

Lê Sát và cái chết của vị c

Hình minh họa.

Trí dũng hơn người

Lê Sát người làng Bỉ Ngũ, Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi xưng Bình Định vương khởi binh ở Lam Sơn, Lê Sát trí dũng hơn người, theo Lê Lợi, trải bao gian hiểm, lập nhiều chiến công.

Tháng 12/1420, Lê Lợi tiến quân đóng ở sách Ba Lẫm, thuộc Lỗi Giang, khiêu khích cho quân Minh, lại sai Lê Sát, Lê Hào chia nhau tiến đánh, phá bọn giặc, chém được hơn nghìn thủ cấp, thu được rất nhiều chiến cụ, từ đó thế giặc ngày một suy.

Tháng 12 năm Giáp Thìn 1424, chuẩn bị vây thành Nghệ An, Lê Lợi tung phục binh ra đánh, Lê Sát làm tướng tiên phong, cùng các tướng khác tranh nhau giáp trận, quân Minh tan vỡ, đô ty Hoàng Thành bị chém, Đô đốc Chu Kiệt và hàng nghìn quân bị bắt, khí giới, thuyền bè thu được không sao kể xiết.

Năm Ất Tỵ 1425, nghĩa quân vây thành Nghệ An, Lê Lợi chọn 2000 quân tinh nhuệ, 2 thớt voi, Lê Sát cùng các tướng khác đi gấp theo đường đất đánh úp thành Tây Đô, chém được hơn 500 thủ cấp, bắt sống được rất nhiều quân Minh.

Tháng 8 năm Bính Ngọ 1426, Lê Lợi sai ba cánh quân tiến ra Bắc; Lê Sát cùng các tướng khác đánh thành Xương Giang. Năm Đinh Mùi 1427, nghĩa quân bao vây thành Đông Quan, Lê Sát, Nguyễn Lý, Trịnh Lỗi, Nguyễn Chích được điều về vây mặt nam thành.

Tháng 6/1427, Lê Sát được thăng làm Tư mã, Lê Lợi sai ông cùng Thái úy Trần Nguyên Hãn đánh gấp thành Xương Giang và tháng 9 hạ được thành.

Công đứng đầu các tướng

Tháng 9/1427, Liễu Thăng đi đường Quảng Tây mang mười vạn quân, hai vạn ngựa dự tính từ Lạng Sơn qua Xương Giang để vào Đông Quan.

Lê Lợi sai Lê Sát cùng Lê Nhân Chú, Lê Lãnh, Lê Liệt, Lê Thụ mang một vạn quân và 5 thớt voi lên ải Chi Lăng đón đánh.

Lê Sát đặt phục binh ở Chi Lăng và ngày 20/9, hai bên đụng nhau, Liễu Thăng dẫn quân tiến lên trước, Lê Sát và Lưu Nhân Chú đổ ra đánh, chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên.

Ngày 25/9, Lê Sát cùng các tướng lại xung trận, đánh thắng quân Minh một trận nữa, giết được tướng Lương Minh.

Quân Minh tuy thua nhưng còn đông và mạnh, Lê Sát chủ trương vây đánh, chặn giữ các đồn ải quanh Chi Lăng và chặn đường về, chỉ để ngỏ đường đến Xương Giang.

Thôi Tụ dự tính vào thành Xương Giang trú quân để phối hợp với Vương Thông, nhưng khi đến Xương Giang mới biết là thành đã bị quân Lam Sơn hạ. Thôi Tụ phải đóng quân ngoài cánh đồng Xương Giang.

Lê Lợi điều Lê Văn An và Nguyễn Lý mang quân lên tiếp viện cho Lê Sát, vây chặt quân Minh. Tháng 10/1427, quân Lam Sơn tổng tấn công, thắng quân Minh một trận lớn, tiêu diệt 5 vạn địch, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng hơn 3 vạn quân.

Lê Sát được tính có công đầu trong trận này. Mộc Thạnh nghe tin Liễu Thăng bị tiêu diệt phải bỏ chạy. Vương Thông ở Đông Quan thấy viện binh bị phá cũng đành xin giảng hòa và rút về nước. Trong chiến dịch này, sử gia Lê Quý Đôn cho rằng công Lê Sát đứng đầu các tướng.

(còn nữa)

     TS Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP