Khám phá

Lê Hiến Phủ - phù chính nghĩa lòng son lẫm liệt - kỳ 2: Tấc kiếm trừ gian trời đất biết

  • Tác giả : Nguyễn Thành Hữu
(khoahocdoisong.vn) - Tấc kiếm trừ gian trời đất biết - Tấm lòng báo quốc quỷ thần hay, là câu thơ Lê Hiến Phủ đã cảm khái đọc trước khi bị hành hình.

Lòng ta chẳng phải chiếc chiếu

Lê Hiến Phủ (Lê Hiến Giản) tham gia triều chính, làm tới chức đại học sĩ; là người rất trung trực và không sợ cường quyền. Khi Hồ Quý Ly đang chuyên quyền, thường ngày đến làm việc ở nhà chính sự đường, vẫn ngồi trên một chiếc ghế đen, Lê Hiến Phủ thấy vậy liền cự rằng: - Nay ông dám ngồi ghế đen, rồi nữa, ngai vàng ông cũng ngồi à ?

- Xin ông hãy đổi cái bụng dạ ấy đi! - Hồ Quý Ly gật gù đáp.
Hiến Phủ không hề sợ, cứng cỏi trả lời rằng: - Bụng dạ trời sinh, sao có thể đổi được! Đoạn ngâm luôn mấy câu thơ: Ngã tâm phỉ tịch -
Bất khả quyển dã - Ngã lâm phỉ thạch - Bất khả chuyển dã  (Lòng ta chẳng phải chiếc chiếu - Không thể cuốn tròn được - Lòng ta chẳng phải hòn đá - Không thể chuyển vần được).

Quý Ly nghe giận lắm, lẳng lặng không nói gì. Sau đó, Hiến Phủ tâu với Vua, Vua thấy lòng trung thành càng tin dùng hơn và phong cho chức Hiến Gián đại Phu.

Nhà Trần lúc này đã bước vào thời kì suy thoái, tháng 12 năm Mậu Thìn (1388), Trần Nghệ Tông nghe lời gièm của Hồ Qúy Ly mà phế truất ngôi vua của Xương Phù đế Trần Hiện (sử gọi là Trần Phế Đế) rồi bắt thắt cổ chết, lập con út là Trần Ngung lên ngôi (tức Trần Thuận Tông).

Trần Thuận Tông tiếng làm vua nhưng thực quyền vẫn do Trần Nghệ Tông quyết định, đến tháng 12 năm Giáp Tuất (1394) thì quyền bính lại do Hồ Quý Ly thao túng.

Tháng 3 năm Mậu Dần (1398), Hồ Quý Ly ép vua nhường ngôi cho con là Trần An, lại ép phải xuất gia tu Đạo giáo tại quán Ngọc Thanh ở thôn Đạm Thủy, xã Thủy An (nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Không lâu sau sợ Trần Thuận Tông còn sống sẽ ảnh hưởng đế kế hoạch cướp ngôi của mình, Hồ Quý Ly sai người đến ép Trần Thuận Tông uống thuốc độc mà chết.

Sự kiện này gây nỗi xúc động mạnh trong lòng các trung thần, nghĩa sĩ. Các đại thần do Thượng tướng Trần Khát Chân đứng đầu cùng với Thái bảo Trần Nguyên Hãng, Thượng trụ quốc Trần Nhật Ðôn, Thượng thư Hà Ðức Lân, Đại phu Lê Hiến Giản, Hành khiển Lương Nguyên Bưu… bàn mưu diệt trừ Hồ Quý Ly, mong cứu vãn cơ nghiệp nhà Trần, nhưng không thành.

Tấc kiếm trừ gian trời đất biết

Phần lớn những người dự mưu và thân thích, hơn 370 người bị giết, Lê Hiến Giản cũng bị sát hại. Theo dã sử, vụ hành hình xảy ra vào ngày 12 tháng 12 năm Kỷ Mão (thần tích thì ghi là năm Canh Ngọ 1390).

Truyền rằng, trước khi bị hành hình, Lê Hiến Giản vẫn ung dung đọc bài thơ cảm khái, có câu rằng: Thốn nhẫn trừ tàn thiên địa bạch - Thất tâm báo quốc quỷ thần tri. Nghĩa là: Tấc kiếm trừ gian trời đất biết - Tấm lòng báo quốc quỷ thần hay. 

Nhà vua thương tiếc sai niệm thi hài Lê Hiến Giản vào quan đồng quách đá, đưa xuống thuyền từ Thăng Long xuôi sông Hồng vào sông Đào (Cỗ Lễ) an táng trên cồn Cây Sơn, cánh đồng Quần Trà bên cạnh con ngòi do hai ông giúp dân đào lúc sinh thời.

Còn Tiến sĩ Lê Hiến Tứ sau này cũng bị Hồ Quý Ly hại và an táng ở phía Đông nam núi Thần Thiệu (Gia Viễn, Ninh Bình). Ngày Lê Hiến Tứ mất cũng là ngày 12/12. Vì vậy đến nay tại Thượng Lao chỉ có một khu lăng mộ của Lê Hiến Giản, không có lăng mộ Lê Hiến Tứ.

Một thuyết khác cho hay, khi Lê Hiến Giản bị xử trảm thì Lê Hiến Tứ đang ở phủ Khoái Châu, Hưng Yên, biết chuyện vội xuống thuyền buôn về núi Thần Thiệu, Gia Viễn, Ninh Bình, nhưng vẫn bị truy tìm gắt gao; đúng một năm sau ngày chết của anh, Lê Hiến Tứ gieo mình xuống sông tuẫn tiết.

Đương thời có câu đối viếng hai anh em Lê Hiến Giản như sau: Phù chính đân tâm nguyên bất tử - Tận trung hùng khí lẫm như sinh (Phù chính nghĩa lòng son lẫm liệt không bao giờ mất - Hết lòng trung khí mạnh mãi mãi vẫn như còn).

Nguyễn Thành Hữu

BẢN DESKTOP