Thời sự

Lấy khối áp xe cổ 14 năm do dị tật khe hở mang cho trẻ

  • Tác giả : Thúy Nga
Rò khe mang là dị tật bẩm sinh vùng cổ bên được chỉ định điều trị phẫu thuật để lấy bỏ toàn bộ đường rò. Việc phẫu thuật cần thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị để hạn chế biến chứng nguy hiểm.

14 năm khổ sở, đau đớn tự ti vì lỗ rò

Ngày 29/3, Bệnh viện Nhi Thanh hóa cho biết đã phẫu thuật thành công ca bệnh dị vật khe hở mang cho trẻ 14 tuổi.

Theo đó, ngày 13/03/2024 vừa qua, khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa tiếp nhận ca bệnh trẻ 14 tuổi nhập viện trong tình trạng: Cổ trước có lỗ rò xoang lê, cạnh lỗ rò có khối áp xe kích thước 4x3cm lỗ rò vùng cổ sưng tấy, đau nhiều, hạn chế quay cổ, nuốt đau, đã điều trị tại bệnh viện huyện nhưng không đỡ.

Theo khai thác từ gia đình, bệnh nhân có lỗ rò bẩm sinh vùng cổ trước từ nhỏ, miệng lỗ rò thỉnh thoảng sưng tấy chảy dịch vàng có mùi hôi.

Trẻ được các bác sỹ thăm khám cẩn thận, làm các chỉ định cận lâm sàng và được chẩn đoán: Dị tật khe hở mang khác/ Áp xe da, nhọt và được điều trị kháng sinh, truyền dịch, kháng viêm, giảm đau, phẫu thuật mở cạnh cổ dẫn lưu ổ áp xe + nội soi thanh quản ống cứng.

Ca phẫu thuật diễn ra thành công, vết mở dẫn lưu áp xe ổn định, trẻ được khâu vết thương phần mềm vùng cổ và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc tại khoa Tai mũi họng.

Sau 15 ngày điều trị, trẻ không sốt, vết khâu khô, ăn uống tốt, và được cho ra viện.

Vậy là sau 14 năm sống chung với sự tự ti vì khối áp xe cổ, sự khó chịu, thậm chí là đau đớn vì lỗ rò chảy dịch, sưng tấy, đến nay bệnh nhi đã được phẫu thuật và điều trị thành công.

Đây không chỉ là ca bệnh điều trị thành công về mặt sức khỏe mà còn giúp bệnh nhi vượt qua nỗi ám ảnh tâm lý nhiều năm, giúp em tự tin hòa nhập với bạn bè, cộng đồng.

Lấy khối áp xe cổ 14 năm do dị tật khe hở mang cho trẻ ảnh 1

Lấy khối áp xe cổ 14 năm do dị tật khe hở mang cho trẻ

Cung mang phát triển không bình thường trong phôi thai bắt buộc phải phẫu thuật

Các chuyên gia cho biết, nang rò khe mang và rò khe nang là dị tật bẩm sinh tại vùng cổ bên. Nguyên nhân gây dị tật rò khe mang là do các cung mang phát triển không bình thường trong giai đoạn phôi thai. Cung mang chạy xuyên qua nhiều cơ quan khác nhau và nằm gần các dây thần kinh, mạch máu nên rất phức tạp.

Phẫu thuật rò khe mang được chỉ định nhằm lấy bỏ toàn bộ đường rò. Đây là một trong những phẫu thuật vùng đầu - mặt - cổ thường gặp. Với những trường hợp đường rò đang bị viêm tấy, áp xe chống chỉ định phẫu thuật.

Bệnh nhân có thể bị rò khe mang I, II, III hoặc IV với các đặc điểm đường rò như sau:

Rò khe mang I: Đường rò thường ngắn, chạy ngang qua tuyến mang tai, đầu ngoài ở vùng cạnh hàm còn đầu trong ở mặt dưới của ống tai ngoài. Đường rò khe mang I thường ít bị nhiễm trùng hơn so với những đường khác. Phẫu thuật rò khe mang I cần cẩn thận vì dễ chạm phải dây thần kinh số VII gây liệt mặt.

Rò khe mang II: Đầu ngoài của đường rò nằm 1⁄3 cạnh cổ còn đầu trong tiếp xúc với amidan - cực dưới. Đường rò khe mang II thường hay rỉ dịch nước bọt, khi phát hiện cần được phẫu thuật ngay.

Rò khe mang III: Đường rò này dài nhất trong 4 đường rò với đầu ngoài nằm 1⁄3 giữa vùng cổ bên, đường rò chạy ngang qua vào trong chạc cảnh và đến vùng đáy xoang lê. Đường rò khe mang III hay bị rỉ dịch nước bọt, khi phẫu thuật phải đi từ hướng phía dưới lên trên và cẩn thận khi chạy ngang qua chạc cảnh.

Rò khe mang IV: Đường rò này hiếm gặp hơn và ngắn, xuất phát từ 1⁄3 phía dưới vùng cổ bên và chạy thẳng vào khí quản. Đường rò này ít khi rỉ dịch và do đó ít được phát hiện, tuy nhiên, phẫu thuật lại dễ hơn.

Rò khe mang là dị tật bẩm sinh vùng cổ bên được chỉ định điều trị phẫu thuật để lấy bỏ toàn bộ đường rò. Việc phẫu thuật cần thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị cũng như tay nghề bác sĩ lành nghề để hạn chế biến chứng nguy hiểm.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP