Y học và đời sống

Lấy dị vật đường thở cho bệnh nhân hôn mê do chấn thương sọ não nặng

  • Tác giả : Giang Thu
Chấn thương hàm mặt có răng gãy và rơi vào đường thở không phải là hiếm gặp và có thể gây các biến chứng như xẹp phổi, viêm phổi dưới vị trí chít hẹp, suy hô hấp nếu không được giải quyết kịp thời.

Theo thông tin từ Bệnh viện Quân y 103, kíp nội soi phế quản cấp cứu của Trung tâm Nội Hô hấp đã thực hiện thành công lấy dị vật đường thở (răng người bệnh) trên bệnh nhân hôn mê do đa chấn thương.

Qua khai thác, bệnh nhân T.T.T. (nam, 34 tuổi, ở Vân Trường, Tiền Hải, Thái Bình) bị chấn thương sọ não nặng, chấn thương hàm mặt, chấn thương vùng cổ, chấn thương ngực kín.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, phát hiện dị vật trong lòng phế quản thùy dưới bên phải (nghi là răng của người bệnh). Sau khi hội chẩn chuyên khoa, kíp nội soi phế quản cấp cứu của Trung tâm Nội Hô hấp kết hợp với kíp trực khoa B11, đã tiến hành nội soi phế quản ống mềm và lấy được dị vật là một răng nanh nằm sâu trong lòng phế quản phân thùy 8 của thùy dưới phổi phải.

Ảnh BVCC

Ảnh BVCC

Theo các bác sĩ, chấn thương hàm mặt có răng gãy và rơi vào đường thở không phải là hiếm gặp và có thể gây các biến chứng như xẹp phổi, viêm phổi dưới vị trí chít hẹp, suy hô hấp nếu không được giải quyết kịp thời.

Thời gian chẩn đoán dị vật có ý nghĩa rất quan trọng trong định hướng phương pháp xử trí lấy dị vật. Với những trường hợp được chẩn đoán sớm, dị vật có thể lấy qua nội soi phế quản ống mềm, là một kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn. Ngược lại, dị vật phát hiện muộn thường đã có các tổ chức hạt che phủ kết hợp với tình trạng viêm nhiễm nặng, dẫn đến bám chắc vào thành đường thở, dẫn đến việc lấy dị vật gặp khó khăn hơn và nhiều nguy cơ tai biến, biến chứng hơn.

Ở bệnh nhân hôn mê, đa chấn thương để đảm bảo an toàn cho kỹ thuật nội soi lấy dị vật, người bệnh cần được hồi sức tích cực để kiểm soát tình trạng hô hấp và huyết động.

Giang Thu

BẢN DESKTOP