UBND TPHCM mới đây có công văn khẩn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo tờ trình của UBND TPHCM về Đề án Nghiên cứu Xây dựng Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ, Cảng dự kiến được xây dựng tại khu vực Cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ), cạnh cửa sông Cái Mép – Thị Vải, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, với tổng vốn 5,45 tỷ USD.
Chiều dài cầu cảng chính khoảng 7km, bến sà lan khoảng 2km. Quy mô cảng được nghiên cứu là có thể khai thác tàu vận tải container có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000-65.000 tấn (750-5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000 tấn.
Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Ảnh: Portcoast) |
Cảng dự kiến phân kỳ đầu tư trong hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 trước năm 2030 sẽ đầu tư 2/7 bến chính và giai đoạn 2 (sau năm 2030 đến năm 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các bến chính còn lại.
Theo hồ sơ đề xuất, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tổng nhu cầu sử dụng đất là 571ha. Diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) sẽ sử dụng là gần 90ha, bao gồm gần 83ha đất có rừng với hiện trạng rừng ngập mặn tự nhiên, gần 7ha còn lại không có rừng. Diện tích mặt nước mà dự án sẽ sử dụng là 481ha.
Về pháp lý sử dụng đất của dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, tổng diện tích đất rừng, đất nông nghiệp dự án sẽ sử dụng là hơn 93ha nằm tại Gò Con Chó. Toàn bộ khu vực này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ.
Về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, UBND TPHCM cho biết, dự án thuộc vùng đệm của Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Theo quy chế quản lý khu dự trữ sinh quyển, khu vực được triển khai hoạt động phát triển kinh tế, được thực hiện công trình có kết cấu, vật liệu xây dựng hài hòa với cảnh quan tự nhiên và được cấp có thẩm quyền cho phép.
Trước đó, trong phần đánh giá sơ bộ tác động môi trường của đề án nghiên cứu xây dựng Cảng Cần Giờ, đơn vị tư vấn là Công ty Tư vấn thiết kế kỹ thuật cảng - kỹ thuật biển, cho rằng yếu tố nhạy cảm duy nhất của dự án là sử dụng một phần diện tích của rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, theo đơn vị tư vấn, yếu tố này có thể giải quyết bằng đề án kỹ thuật điều tra, kiểm kê và định giá để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Bên cạnh đó, dự án sẽ được quy hoạch đảm bảo tỷ lệ cây xanh hơn 10% diện tích cho việc bảo tồn rừng phòng hộ và cây xanh.
Theo UBND TPHCM, dự án sẽ thu hút vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại. Khoảng 6.000 đến 8.000 lao động sẽ được tạo việc làm tại cảng, hàng chục nghìn lao động sẽ phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và thu phí thuế quan.
Khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, ngân sách nhà nước sẽ được đóng góp trực tiếp thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu ra vào cảng. Chỉ tính riêng phí thuê mặt nước, thuế xuất nhập khẩu hàng hóa, ngân sách sẽ có thêm từ 34.000 tỷ đồng đến 40.000 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Kỳ lạ rừng cây có thể “nhảy múa” theo ánh hoàng hôn