Dữ liệu y khoa

Laser quang đông cứu sống thai nhi mắc hội chứng truyền máu song thai

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Khi mắc hội chứng truyền máu song thai nếu không được điều trị thì 90 - 100% thai sẽ chết. Còn nếu một trong hai thai chết thì 25% thai còn lại bị di chứng thần kinh nặng nề. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện đầu tiên trong cả nước thực hiện được kỹ thuật.

Laser quang đông để cứu sống và chữa trị cho thai nhi tránh bị dị tật khi sinh ra

Trên giường bệnh, sản phụ N.T.T. (SN 1990, ở Thái Nguyên) không giấu được niềm hạnh phúc khi chị vừa được “can thiệp bào thai miễn phí” bằng laser quang đông tại phòng mổ đạt chuẩn quốc tế của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. “Tôi thấy mình quá may mắn khi được thực hiện kỹ thuật tiên tiến này ngay tại một bệnh viện ở Việt Nam mà không phải đi ra nước ngoài như trước đây. Sau mổ gần một tuần tôi thấy cả mẹ và hai bé đều khỏe mạnh khi mỗi lần sờ lên bụng thấy thai máy rất rõ. Giờ tôi chỉ biết nói lời cảm ơn sâu sắc tới các bác sĩ và ban lãnh đạo bệnh viện, đặc biệt là bác sĩ Ánh và bác sĩ Sim đã trực tiếp mổ cho tôi”, chị N.T.T bày tỏ.

Ca em bé chào đời đầu tiên bằng kỹ thuật này là ngày 14/12/2019 trong niềm hạnh phúc vỡ òa của sản phụ Lộc Thị Hường (sinh năm 1997, ở Nghệ An). Sản phụ mang song thai mắc hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau với biến chứng thai không tim. Ở tuần 26, trước tình trạng nguy cấp khi thai còn lại của sản phụ Hường có nguy cơ lưu, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và thực hiện “mổ” laser quang đông can thiệp bào thai nhằm cắt đứt hoàn toàn dinh dưỡng, nguồn sống cho thai hỏng, giữ em bé còn lại trong bụng và em đã được sinh ra đời khỏe mạnh.

Ca mổ đầu tiên với giáo sư Giáo sư Yves ville - Bệnh viện Necker - Cộng Hòa Pháp.

Ca mổ đầu tiên với giáo sư Giáo sư Yves ville - Bệnh viện Necker - Cộng Hòa Pháp.

BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, truyền máu song thai là một hội chứng vô cùng nguy hiểm, xảy ra trong trường hợp hai thai có chung một bánh rau. Cứ 100 ca song thai chung bánh rau có 20 - 30 ca có biến chứng do máu từ thai này truyền sang cho thai kia thông qua các cầu nối mạch máu trong bánh rau.

Do đó, thai nhi cho máu sẽ thiếu máu, có kích thước nhỏ hơn và bị thiểu ối. Trong khi đó thai nhi nhận sẽ nhận được nhiều máu nên hệ tuần hoàn luôn luôn phải làm việc dẫn đến quá tải, làm suy giảm chức năng tim mạch gây phù thai. Hậu quả nặng nhất là nếu không được điều trị thì từ 90 - 100% thai sẽ chết trong tử cung.  Số còn lại sống sót cũng bị di chứng thần kinh nặng nề, khoảng 30%. Ngược lại nếu được điều trị kịp thời giúp cứu sống được cả 2 thai 60% hoặc ít nhất 1 thai sống 80 - 90%.

“Laser quang đông nhằm chặn lại cầu nối mạch máu là kỹ thuật khó trong can thiệp bào thai. Trong quá trình can thiệp vào buồng ối phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bào thai và người mẹ”, BSCKI Nguyễn Thị Sim phân tích.

Sản phụ Vương Thị Linh (sinh năm 1992, tại Phúc Thọ, Hà Nội) - mẹ của 2 bé gái Tuệ Anh và Tú Anh, ca sinh đôi đầu tiên chào đời nhờ được can thiệp bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Sản phụ Vương Thị Linh (sinh năm 1992, tại Phúc Thọ, Hà Nội) - mẹ của 2 bé gái Tuệ Anh và Tú Anh, ca sinh đôi đầu tiên chào đời nhờ được can thiệp bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. 

Kỹ thuật mang tính nhân văn cao cả

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, đối tượng nguy cơ mắc phải hội chứng truyền máu song thai là những người mẹ mang đa thai và có một bánh nhau. Thai phụ mang song thai có thể phát hiện được sớm trong khi mang thai, nhờ việc siêu âm thường xuyên. Do đó, bà mẹ mang thai cần phải thường xuyên siêu âm trong suốt thai kỳ để kiểm soát được kích thước và tình trạng sức khỏe của cặp thai nhi trong bụng.

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh cũng cho biết: Nhờ tiến bộ về y học, hiện nay có rất nhiều biện pháp điều trị hội chứng truyền máu song thai như làm giảm thể tích nước ối, bằng cách sử dụng chọc nước ối để thoát lượng dư thừa, giúp cải thiện được lưu lượng máu trong nhau thai và hơn nữa còn giảm được nguy cơ sinh non. Phương pháp này có thể giúp cứu khoảng 60% trẻ bị ảnh hưởng; Tiến hành phẫu thuật hủy thai có chọn lọc; Truyền máu cho thai trong buồng tử cung; Mở thông giữa hai buồng ối; Laser đốt mạch nối giữa hai thai; Hủy một thai bằng cắt dây rốn hoặc bằng laser...

Tùy từng trường hợp để có các phương pháp điều trị khác nhau, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thai nhi và tình trạng sức khỏe của thai phụ. Mục tiêu điều trị vẫn là giúp cho thai phụ mang thai an toàn và khỏe mạnh cho đến khi cả hai thai nhi đều có thể ra đời một cách an toàn. Tuy nhiên, điều trị bằng phẫu thuật laser khi ở giai đoạn II - IV Quintero tuổi thai 16 - 26 tuần được coi là phương pháp tối ưu trong điều trị hội chứng truyền máu song thai. Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên trong cả nước tiến hành kỹ thật mới này.

Đây là kỹ thuật can thiệp khi thai nhi còn nằm trong buồng ối, nội soi vào buồng ối rồi sử dụng tia laser để làm đông các cầu nối mạch máu trong bánh rau, ngăn chặn máu thai này truyền sang thai kia, giúp cho 2 thai tiếp tục phát triển độc lập với nhau. Việc này giúp cứu sống được cả 2 thai 60% hoặc ít nhất 1 thai sống 80 - 90%.

Trước đó, Việt Nam chưa triển khai được kỹ thuật phẫu thuật can thiệp vào bào thai để điều trị hội chứng truyền máu nên mỗi năm có hàng nghìn cặp song thai thai bị biến chứng phải chấp nhận hậu quả nặng nề là cả 2 thai phù rồi lưu.

Đó là hậu quả nặng nề không chỉ về tinh thần mà cả về vật chất bởi trong số đó cũng có khoảng 40 - 50% các trường hợp vô sinh hiếm muộn phải trải qua thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) mới có thai được. Vì thế, kỹ thuật này không những mang tính khoa học mà còn có ý nghĩa rất nhân văn cao cả vì nhờ ứng dụng kỹ thuật mổ can thiệp vào bào thai sẽ giúp cứu sống được hàng nghìn cặp song sinh bị biến chứng truyền máu mỗi năm ở Việt Nam.

Tháng 6/2018, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã được Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài: "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử và kỹ thuật laser quang đông ở thai phụ mắc Hội chứng truyền máu song thai và Dải xơ buồng ối; mã số KC.10/16-20". Đến nay đề tài đã được thực hiện xong với 30 ca điều trị miễn phí. Hiện tại kỹ thuật này đã được đưa vào thường quy.

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh cho biết, với kỹ thuật can thiệp bào thai, có tới 90% các em bé mắc bệnh lý về truyền máu song thai, bệnh lý về não, tim, màng phổi đều có thể được cứu sống và chào đời khỏe mạnh.

Với một phòng mổ có trang thiết bị hiện đại, chuyên biệt cùng đội ngũ bác sĩ được đào tạo với các chuyên gia nước ngoài về can thiệp bào thai của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thì theo TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh: “Yếu tố tiên quyết để quyết định cuộc mổ thành công là phải chẩn đoán ra bệnh ở giai đoạn sớm, để muộn quá thì việc mổ là vô nghĩa. Do đó, tất cả các cơ sở sản khoa cần chẩn đoán bệnh cho thai nhi kịp thời, khi phát hiện bệnh thì gửi ngay tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được các bác sĩ can thiệp và xử trí kịp thời”.

TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh cũng chia sẻ thêm, người mang song thai có nhiều nguy cơ, đặc biệt là đối với những trường hợp có chung một bánh rau có đến 20 - 30% mắc hội chứng truyền máu song thai. Do đó, kỹ thuật này khi được triển khai và có thể chuyển giao tới nhiều cơ sở sản khoa khác, sẽ mang lại hạnh phúc rất lớn cho nhiều gia đình.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP