Đời sống

Lao động để vui, khỏe

Lao động để vui, khỏe, đ

Ông Nguyễn Hữu Phi.

Tạo cơ hội để được vận động

Ông Phi kể, có khi đi chợ mua thịt về rồi lại quay ra mua rau. Không phải là quên, mà tự đặt ra thế để buộc mình phải vận động. Chứ ngồi nhà nhiều lại sinh ra ù lì cả người.

Có một mình (bà mất cách đây 10 năm), nhưng ông chẳng bao giờ ngại việc, ngày nào cũng nấu đủ ba bữa. Ông thích nấu cơm vào một cái nồi nhỏ như xoong nấu bột, đun trên bếp liu riu để khi chín có một lớp cháy xung quanh, rồi đổ ra giống như cơm niêu. Quan điểm của ông là nấu tất cả những gì có trong nhà và ăn tất cả những gì nấu trên mâm.

Có máy giặt, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn giặt tay, và chậu nước xà phòng còn thừa chả bao giờ đổ đi, mà dành để giặt khăn lau. Hay như nước gạo, cuộng rau và chút cơm canh thừa ông luôn đổ vào thùng nước gạo ở đầu ngõ của chị bán thịt để chị mang về nuôi lợn.

Điều đó lâu nay đã thành thói quen, vì bỏ đi không những phí mà còn đổ ra cống rãnh, gây ô nhiễm môi trường. Vì cái tính không ngại việc nên ra đường, nếu thấy rác bẩn hay cái gì chướng mắt là ông cũng tự dọn luôn, không nề hà.

Căn hộ trong khu tập thể của bộ Thủy lợi nhỏ nhưng gọn gàng, ngăn nắp như có bàn tay phụ nữ. Không chỉ bây giờ, mà trước đây ông vẫn quen làm mọi việc trong nhà. Sáng dậy là ông quét nhà, quét sân, tưới cây… Trên nóc nhà kho ông cũng còn làm bậc thang để lên đó trồng cây. Cũng là tạo ra cơ hội để được vận động.

Vẫn khỏe như hồi 40

Bí quyết sống khỏe của ông Phi là phải tạo cho mình một giấc ngủ ngon. Với người cao tuổi, một giấc ngủ ngon còn quan trọng hơn cả việc ăn uống. Muốn thế thì trước khi đi ngủ, phải tắm rửa sạch sẽ, thoải mái và khi vào giường phải thật tĩnh tâm.

Cái sự tĩnh tâm, nói thì dễ, nhưng làm được không hề đơn giản. Bởi không phải khi về già cứ nói tĩnh tâm là tĩnh tâm được, mà khi còn trẻ phải sống thế nào để khi già rồi không có gì phải ân hận, hối tiếc. Với ông Phi, những năm tháng theo nghề thủy lợi lăn lộn ở miền Tây Bắc, cống hiến hết mình cho công việc. Có những công trình giờ nhắc lại ông vẫn thấy tự hào.

Niềm tự hào nữa của ông là 4 người con đều thành đạt, ngoan ngoãn. Tuy không ở chung với con nào, nhưng các con vẫn qua lại thăm nom luôn. Ông bảo, có thể yên tâm về con cháu, không phải lo nghĩ gì. Được như thế là nhờ công lao dạy dỗ rất chu đáo của bà, một nhà giáo.

Ông cho xem cuốn gia phả họ Nguyễn Hữu ở Gia Viễn, Ninh Bình mà ông đã dành nhiều tâm sức để tìm, tập hợp, lại nhờ dịch cả những ghi chép bằng chữ Nho của các cụ và tự bỏ tiền ra in. Làm là cũng với tâm niệm để lại cho con cháu chút gì đó để ghi nhớ về tổ tiên, dòng họ. Thế nên làm xong việc đó rồi cũng thấy hài lòng.

Ông luôn nghĩ, mình chẳng giàu có gì, nhưng cũng không nghèo vì có lương hưu đủ sống. Hơn nữa, mình còn hơn người khác ở chỗ mỗi tháng không phải tốn tiền mua thuốc. Với ông, sức khỏe như một hằng số, vì từ năm 40 tuổi đến nay cũng chưa có gì thay đổi nhiều. Mọi việc vẫn tự mình làm, chưa phải nhờ đến con cháu.

Tiền không phải mua thuốc, ông dành để in thơ. Thơ cũng là một niềm vui, niềm say mê, khiến cho cuộc sống của ông thêm ý nghĩa. Hiện ông là chủ nhiệm CLB thơ Thủy lợi Hoàn Kiếm, ủy viên BCHLH CLB thơ Người lao động Việt Nam.

Trong khu tập thể nhà ông còn có một nhóm gọi là hội nước chè, có người là đồng nghiệp cũ, người là hàng xóm, sáng nào cũng ngồi với nhau, chuyện trò, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Thỉnh thoảng lại tổ chức đi chơi xa. Gắn bó đến nay cũng được hơn chục năm.

Vì cách sống tích cực như thế, mà vừa rồi ông được nhận danh hiệu Người tốt việc tốt của quận Hoàn Kiếm.

Minh Châu

BẢN DESKTOP