Dữ liệu y khoa

Lào Cai triển khai tập huấn chuyên sâu về an toàn thực phẩm

  • Tác giả : Thúy Nga
(khoahocdoisong.vn) - Để nâng cao năng lực cho cán bộ Y tế trong việc khai báo, điều tra, chẩn đoán, xử trí cấp cứu ngộ độc thực phẩm, Lào Cai đã triển khai tập huấn chuyên sâu về an toàn thực phẩm.

Những vụ ngộ độc gần đây

Ngày 25/6, Trường PTDTBT Tiểu học Cốc Lầu tổ chức bữa ăn chiều cho học sinh (gồm 153 học sinh ở bán trú), bữa ăn gồm 3 món (tôm thẻ xào cà chua, canh rau muống, cơm trắng). Sau khi ăn khoảng 20 phút, 2 học sinh xuất hiện các triệu chứng: Mẩn ngứa, ngứa tay, chân, bụng... được các thầy cô giáo đưa xuống trạm Y tế xã Cốc Lầu để khám điều trị. Sau đó nhà trường có phát hiện thêm 6 cháu có các triệu chứng trên. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, có tổng số 85 học sinh được nhà trường và các phụ huynh đưa đến các cơ sở Y tế (trong đó 40 học sinh được đưa vào Phòng khám đa khoa khu vực Bảo Nhai, 45 học sinh được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện. Qua thăm khám, chỉ có 20 học sinh có biểu hiện ngứa, mẩn ngứa, một số em có biểu hiện buồn nôn. Số học sinh còn lại vào viện là do tâm lý hoảng loạn, lo lắng. Đến sáng ngày 26/6, 65 trường hợp đã ổn định tâm lý và cho ra viện về tiếp tục đi học, còn lại 20 cháu tiếp tục được theo dõi, điều trị. Chiều ngày 26/6, thêm 16 học sinh đã khỏe mạnh tiếp tục được ra viện, 4 học sinh vẫn còn biểu hiện mệt mỏi nên tiếp tục được điều trị. Đến sáng 29/6, các em đã khỏe mạnh hoàn toàn và được xuất viện, trở lại học tập cùng các bạn.

Trước đó, vào hồi 11h30 phút ngày 29/4, tại gia đình bà Phạm Thị Huệ thôn Gốc Mít, xã Xuân Quang, cũng đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do rượu ngâm cao ngựa khiến 4 người phải vào viện với biểu hiện buồn nôn và nôn, tê chân tay, tê môi. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã cử cán bộ phối hợp với Trung tâm Y tế huyện điều tra, xác minh vụ việc và nhận định, đây là vụ ngộ độc thực phẩm do rượu ngâm cao ngựa, chưa xác định được căn nguyên do không lấy được mẫu để gửi kiểm nghiệm. Đến chiều ngày 30/4, 4 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.

Tập huấn chuyên sâu về an toàn thực phẩm.

Tập huấn chuyên sâu về an toàn thực phẩm.

Để nâng cao năng lực cho cán bộ Y tế trong việc khai báo, điều tra, chẩn đoán, xử trí cấp cứu ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai đã tổ chức tập huấn chuyên sâu về nhận biết nguyên nhân và cách xử trí ngộ độc thực phẩm cho lãnh đạo, cán bộ Khoa An toàn thực phẩm - Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố; cán bộ Khoa Truyền nhiễm, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, huyện thị xã, thành phố .

Tại lớp tập huấn, các học viên đã được giảng viên của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế; Trung tâm Phòng chống độc – Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn cách xử trí ban đầu khi bị ngộ độc thực phẩm do các yếu tố vi sinh, hóa lý hay độc tố rự nhiên; hướng dẫn các tình huống xử lý, điều tra khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các loại hình: Gia đình, bếp ăn tập thể, nhà hàng, chẩn đoán và xử trí ở cơ sở điều trị…

Đảm bảo an toàn trong trường học

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học.

Đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học.

Thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học nhằm bảo vệ sức khỏe cho học sinh là một trong những ưu tiên của các nhà trường hiện nay. Trước khi đón học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ kéo dài do dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, yêu cầu các trường học thực hiện hiệu quả các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm.

Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong các trường học liên quan đến nhiều khâu, bởi vậy từ người cung cấp đến ban lãnh đạo nhà trường, giáo viên, người chế biến đều cần nâng cao trách nhiệm, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong các nhà trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đều được tham gia tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm… Việc đảm bảo an toàn thực phẩm cũng có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng và có chế tài xử phạt nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm.

Thúy Nga

BẢN DESKTOP